Mỗi biển báo giao thông sẽ mang một ý nghĩa nhất định, người tham gia giao thông cần chú ý để tuân thủ cho đúng. Vậy biển báo cấm xe máy cho bạn biết điều gì?
1. Nhận diện biển báo cấm xe gắn máy và ý nghĩa
Theo i Điều 22 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTV về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT, biển báo cấm xe gắn máy được ký hiệu là P.111a, là một trong loại biển báo giao thông thuộc nhóm biển báo cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.
Biển báo cấm xe gắn máy có dạng hình tròn, viền màu đỏ và nền màu trắng. Trên nền trắng có hình vẽ xe máy màu đen với một vạch chéo màu đỏ từ trên xuống theo chiều từ trái sang phải.
Biển báo cấm xe gắn máy thường được bố trí ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm để báo hiệu đoạn đường phía trước cấm xe gắn máy đi qua. Biển này có giá trị trên toàn bộ đoạn đường, bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi.
Lưu ý:
- Biển báo cấm xe gắn máy không có giá trị hiệu lực đối với phương tiện là xe đạp.
- Một số biển cấm khác phải có biển báo hiệu hết hiệu lực cấm nhưng riêng biển báo cấm xe gắn máy không có quy định phạm vi có hiệu lực của biển cũng như quy định về biển báo hết cấm.
2. Phân biệt biển cấm xe gắn máy với biển cấm xe máy
2.1. Xe gắn máy khác xe máy thế nào?
Nếu nghe qua chắc hẳn nhiều người sẽ bị nhầm lẫn xe gắn máy và xe máy là một. Tuy nhiên đây lại là 02 nhóm phương tiện hoàn toàn khác nhau. Theo điểm e, điểm g khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:
- Xe mô tô (hay còn gọi là xe máy): Là xe có 02 hoặc 03 bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy. Trong đó, thông thường khối lượng của xe 03 bánh không lớn hơn 400 kg.
- Xe gắn máy: Là xe có 02 hoặc 03 bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h.
- Trường hợp động cơ dẫn động là động cơ nhiệt: Dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3
- Trường hợp động cơ dẫn động là động cơ điện: Công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.
Như vậy, có thể thấy xe gắn máy là xe có dung tích động cơ <50 cm3 và vận tốc thiết kế <50 km/h, nếu là xe điện thì động cơ <04 kW. Người từ đủ 16 tuổi là được phép điều khiển xe gắn máy (điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024).
Còn xe mô tô (xe máy) là các dòng xe có dung tích động cơ ≥ 50 cm3. Người từ đủ 18 tuổi mới được phép lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh (điểm b khoản 1 Điều 60 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024)
2.2. Biển cấm xe gắn máy khác biển cấm xe máy thế nào?
Tương tự biểu tượng của xe máy và xe gắn máy, biển báo cấm xe gắn máy và biển báo cấm xe máy cũng là hai loại biển báo khác nhau. Cụ thể:
- Biển báo cấm xe gắn máy được ký hiệu hiệu là P.111a báo đường cấm xe gắn máy đi qua, đồng thời biển này không có giá trị đối với xe đạp.
- Biển báo cấm xe máy ký hiệu là P.104 báo đoạn đường cấm các loại xe máy, trừ các xe được ưu tiên theo quy định như xe cứu thương, xe cảnh sát, xe chữa cháy,… làm nhiệm vụ. Biển này không có giá trị cấm những người dắt xe máy.
Để dễ dàng phân biệt hai loại biển báo này, người tham gia giao thông có thể căn cứ vào hai điểm sau:
- Về hình dáng bên ngoài: Biển báo cấm xe máy có hình vẽ người ngồi trên xe, còn biển báo cấm xe gắn máy chỉ có hình ảnh chiếc xe máy màu đen chứ không có hình người điều khiển.
- Ý nghĩa: Biển báo P.111a “cấm xe gắn máy” áp dụng cho xe gắn máy hay cũng chính là xe máy dưới 50cc. Biển P.104 “cấm xe máy” có tác dụng cấm xe máy từ 50cc trở lên.
3. Đi vào đường có cắm biển cấm xe gắn máy, bị phạt ra sao?
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người tham gia giao thông đi vào đường cấm sẽ bị phạt lỗi “Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm”.
Do đó, nếu cố tình điều khiển xe gắn máy đi vào đoạn đường có cắm biển cấm xe gắn máy, lái xe sẽ bị phạt về lỗi đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
b) Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 7 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
c) Không giảm tốc độ (hoặc dừng lại) và nhường đường khi điều khiển xe đi từ đường không ưu tiên ra đường ưu tiên, từ đường nhánh ra đường chính;
d) Không giảm tốc độ và nhường đường cho xe đi đến từ bên phải tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến; không giảm tốc độ và nhường đường cho xe đi đến từ bên trái tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến.
...
10. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông;
...
13. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3; khoản 5; điểm b, điểm c, điểm d khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 4; điểm a khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 7, điểm c khoản 9 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 06 điểm;
d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 8, khoản 10 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Như vậy, trường hợp người lái xe gắn máy đi vào đường có biển cấm xe gắn máy (trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) thì bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng và trừ 02 điểm GPLX.
Trường hợp người lái xe gắn máy đi vào đường có biển báo cấm xe gắn máy và gây tai nạn giao thông thì bị phạt từ 10 - 14 triệu đồng và trừ 10 điểm GPLX.
Trên đây là những thông tin đáng chú ý liên quan đến biển báo cấm xe gắn máy. Nếu vẫn còn thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ giải đáp.