Để tránh các xe vượt nhau gây tai nạn giao thông, biển báo cấm vượt thường được lắp đặt ở các đoạn đường hạn chế tầm nhìn. Vậy khi nhìn thấy biển báo cấm vượt, các tài xế cần phải làm gì?
Các loại biển báo cấm vượt hiện nay và ý nghĩa
Hiện nay, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo cấm vượt gồm 02 loại biển: Biển báo P.125 “Cấm vượt” và biển báo P.126 “Cấm xe ô tô tải vượt”.
Do thuộc nhóm biển báo cấm nên các biển này cũng mang một số đặc trưng như biển hình tròn, viền màu đỏ, nền màu trắng và biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được phép vi phạm. Cụ thể:
- Biển báo P.125 “Cấm vượt”
Biển báo P.125 được nhận diện với viền đỏ, nền trắng, bên trong có hình vẽ hai chiếc ô tô con đặt cạnh nhau (01 chiếc màu đen và 01 chiếc màu đỏ).
Biển này được dùng để cấm các loại xe cơ giới vượt nhau trên đoạn đường có cắm biển này. Biển báo cấm vượt có hiệu lực cấm đối với tất cả các loại xe cơ giới vượt nhau (kể cả với xe được ưu tiên). Tuy nhiên có ngoại lệ là cho phép vượt xe máy 02 bánh, xe gắn máy.
Biển báo P.125 chỉ hết hiệu lực cấm khi có biển báo P.133 “Hết cấm vượt” hoặc đến vị trí đặt biển báo P.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”.
- Biển báo P.126 “Cấm xe ô tô tải vượt”
Biển báo P.126 được nhận diện với viền đỏ, nền trắng, bên trong có hình vẽ 01 chiếc ô tô tải màu đỏ đặt cạnh nhau 01 chiếc ô tô con màu đen.
Biển này được dùng để cấm các loại ô tô tải vượt xe cơ giới khác trên đoạn đường có cắm biển này.
Biển có hiệu lực cấm đối với các loại ôtô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy đăng kiểm) lớn hơn 3.500 kg (kể cả các xe được ưu tiên) vượt xe cơ giới khác.
Tuy nhiên vẫn cho phép xe tải được phép vượt xe máy 02 bánh và xe gắn máy, đồng thời các loại xe cơ giới khác ngoài xe tải cũng được phép vượt nhau và vượt ô tô tải.
Biển cấm vượt xe tải hết hiệu lực cấm khi có biển số DP.133 “Hết cấm vượt” hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”.
Cố tình vượt xe đi trước dù đã thấy biển cấm, tài xế bị phạt thế nào?
Đã gặp biển báo cấm thì các phương tiện tham gia giao thông đều không được phép vi phạm. Do đó, nếu cố tình vượt xe đi trước tại đoạn đường có cắm biển báo cấm vượt, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt về lỗi vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển) với mức phạt như sau:
Phương tiện |
Mức phạt vượt xe khi có biển cấm |
Mức phạt vượt xe khi có biển cấm gây tai nạn |
Ô tô và các loại xe tương tự |
05 - 06 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng (Điểm d khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
10 - 12 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng (Điểm a khoản 7 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự |
800.000 - 01 triệu đồng (Điểm c khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
04 - 05 triệu đồng + + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng (Điểm b khoản 7 và điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng |
400.000 - 600.000 đồng (Điểm h khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
06 - 08 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 - 04 tháng (Điểm a khoản 7 và điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
Trên đây là những thông tin đáng chú ý về biển báo cấm vượt cùng mức phạt vi phạm. Nếu còn vướng mắc về các nội dụng nêu trên, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp.