Biển báo giao thông: Đặc điểm, cách nhận biết 5 loại biển

Ngoài người điều khiển giao thông và đèn giao thông, biển báo giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Dưới đây là đặc điểm, cách nhận biết các loại biển báo giao thông.


1. Biển báo giao thông là gì?

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về khái niệm biển báo giao thông, tuy nhiên, có thể hiểu, biển báo giao thông là các biển hiệu được đặt trên đường để biểu thị, truyền đạt các thông tin đến người tham gia giao thông.

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 thì hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Như vậy, biển báo giao thông thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ. Nếu ở cùng một khu vực mà đồng thời có các hình thức báo hiệu khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh theo thứ tự sau:

  • Đầu tiên là hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
  • Thứ hai là hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
  • Thứ ba là hiệu lệnh của biển báo giao thông;
  • Thứ tư là hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên đường.  

Lưu ý: Trường hợp ở một vị trí đã có biển báo cố định lại có biển khác có tính chất tạm thời mà 02 biển có ý nghĩa khác nhau thì phải chấp hành theo biển báo có tính chất tạm thời.

bien bao giao thong

2. Ý nghĩa biển báo giao thông

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, mỗi loại biển báo giao thông lại mang những ý nghĩa khác nhau. Cụ thể:

- Nhóm biển báo cấm: Biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.

- Nhóm biển hiệu lệnh: Báo cho người điều khiển phương tiện biết các điều bắt buộc phải chấp hành khi tham gia giao thông.

- Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Dùng để báo cho người điều khiển phương tiện biết trước tính chất của sự nguy hiểm hoặc các điều cần chú ý phòng ngừa trên tuyến đường tham gia giao thông để chủ động phòng ngừa kịp thời tai nạn.

- Nhóm biển chỉ dẫn: Dùng để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết nhằm giúp việc điều khiển phương tiện và hướng dẫn giao thông trên đường được thuận lợi, đảm bảo an toàn.

- Nhóm biển phụ, biển viết bằng chữ: Dùng để thuyết minh bổ sung nội dung cho các nhóm biển còn lại.

3. Có mấy loại biển báo giao thông?

Theo khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ, hệ thống biển báo giao thông hiện nay gồm 05 loại: Biển báo cấm; biển báo hiệu lệnh; biển báo nguy hiểm và cảnh báo; biển báo chỉ dẫn; biển phụ, biển viết bằng chữ.

3.1. Biển báo cấm

Biển báo cấm là biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.

Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ/chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt).

Biển báo cấm có mã P (cấm) và DP (hết cấm). 
biển báo  cấm

3.2. Biển báo nguy hiểm và cảnh báo

Biển báo nguy hiểm và cảnh báo được dùng để báo cho người tham gia giao thông biết trước tính chất của sự nguy hiểm hoặc các điều cần chú ý phòng ngừa trên tuyến đường. Khi gặp biển báo nguy hiểm và cảnh báo, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ đến mức cần thiết, chú ý quan sát và chuẩn bị sẵn sàng xử lý những tình huống có thể xẩy ra để phòng ngừa tai nạn.

Biển báo nguy hiểm có mã W, ví dụ như W.201 (a,b) - Chỗ ngoặt nguy hiểm; W.212 - Cầu hẹp; W.227 - Công trường…

Biển báo nguy hiểm/cảnh báo chủ yếu có hình tam giác đều, ba đỉnh lượn tròn; một cạnh nằm ngang, đỉnh tương ứng hướng lên trên, trừ biển W.208 "Giao nhau với đường ưu tiên" đỉnh tương ứng hướng xuống dưới.

biển báo nguy hiểm

3.3. Biển báo hiệu lệnh

Biển hiệu lệnh là biển báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt).

Biển hiệu lệnh có dạng hình tròn, nền xanh lam, hình vẽ màu trắng. Nếu hết hiệu lệnh thường sử dụng vạch chéo màu đỏ kẻ từ trên xuống và từ phải qua trái đè lên hình màu trắng. Biển hiệu lệnh có mã R và R.E.

biển báo hiệu lệnh

3.4. Biển báo chỉ dẫn

Biển báo chỉ dẫn dùng để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết nhằm giúp người tham gia giao thông trong việc điều khiển phương tiện và hướng dẫn giao thông trên đường được thuận lợi, đảm bảo an toàn.

Biển chỉ dẫn có hình vuông hoặc hình chữ nhật hoặc hình mũi tên, nền màu xanh lam, hình vẽ và chữ viết màu trắng. Nếu nền màu trắng thì hình vẽ và chữ viết màu đen trừ một số trường hợp ngoại lệ. 

biển báo chỉ dẫn

3.5. Biển phụ, biển viết bằng chữ

Biển phụ thường được đặt kết hợp với các biển báo chính nhằm thuyết minh, bổ sung để hiểu rõ, trừ biển số S.507 "Hướng rẽ" được sử dụng độc lập.

Biển phụ có mã S, SG và SH như: Biển S.501: Phạm vi tác dụng của biển; Biển số S.502: Khoảng cách đến đối tượng báo hiệu; Biển S.H,3 (a,b,c): Hướng tác dụng của biển…

Biển phụ có dạng: Hình chữ nhật/hình vuông, nền màu trắng, hình vẽ, chữ viết màu đen. Nếu nền màu xanh lam thì chữ viết màu trắng.

Các biển phụ đều được đặt ngay phía dưới biển chính ngoại trừ biển S.507 sử dụng độc lập được đặt ở phía lưng đường cong đối diện với hướng đi/đặt ở giữa đảo an toàn nơi đường giao nhau.

biển phụ

>> Các thắc mắc liên quan đến biển báo giao thông và các quy định của Luật Giao thông đường bộ sẽ được giải đáp qua tổng đài tư vấn 19006192 của LuatVietnam.

4. Biển báo giao thông có dạng hình gì?

4.1 Biển báo giao thông hình tròn

Biển báo giao thông hình tròn là các biển báo thuộc nhóm biển báo cấm và biển hiệu lệnh.

Với đặc trưng về màu sắc, người điều khiển phương tiện có thể dễ dàng nhận biết biển báo hình tròn nào thuộc nhóm biển cấm, biển báo nào thuộc nhóm biển hiệu lệnh. Cụ thể:

- Biển báo hình tròn viền đỏ nền trắng hoặc xanh là các biển báo cấm, biểu thị những điều mà tham gia giao thông không được vi phạm.

- Biển báo hình tròn nền xanh, hình vẽ màu trắng là các biển báo hiệu lệnh, biểu thị các hiệu lệnh mà người tham gia giao thông bắt buộc phải chấp hành.

4.2 Biển báo giao thông hình tam giác

Biển báo giao thông hình tam giác là các biển báo thuộc nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo, được lắp đặt trên đường để báo cho người tham gia giao thông biết trước sự nguy hiểm hoặc các điều cần phòng tránh trên tuyến đường.

Khi gặp các biển báo tam giác, các tài xế phải chú ý giảm tốc độ, chú ý quan sát, sẵn sàng xử lý những tình huống giao thông bất lợi.

4.3 Biển báo giao thông hình vuông

Biển báo giao thông hình vuông là những biển báo thuộc nhóm biển báo chỉ dẫn hoặc nhóm biển phụ. Thông qua màu sắc của biển báo giao thông bình vuông mà người điều khiển phương tiện có thể biết được ý nghĩa của các biển:

- Biển báo giao thông hình vuông nền xanh thuộc nhóm biển chỉ dẫn mang ý nghĩa chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết để các tài xế di chuyển thuận lợi và an toàn.

- Biển báo giao thông hình vuông nền trắng thuộc nhóm biển phụ, dùng để thuyết minh, bổ sung ý cho biển báo chính.

Biển báo giao thông được thiết kế nhiều hình dạng
Biển báo giao thông được thiết kế nhiều hình dạng (Ảnh minh họa)

4.4. Biển báo giao thông hình chữ nhật

So với các biển báo ở hình dáng khác, biển báo giao thông hình chữ nhật xuất hiện ở tất cả các nhóm biển báo cơ bản, trong đó chủ yếu là nhóm biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn, còn ở các nhóm biển báo khác thì khá ít.

- Biển báo hiệu lệnh hình chữ nhật có nền màu xanh, hình vẽ bên trong màu trắng, dùng để báo cho người điều khiển biết các điều bắt buộc phải chấp hành khi tham gia giao thông.

- Biển báo chỉ dẫn hình chữ nhật có nền màu xanh (xanh dương, xanh lam hoặc xanh lá cây), hình vẽ và chữ viết bên trong màu trắng, dùng để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách thuận lợi, đảm bảo an toàn.

4.5. Biển báo giao thông hình thoi

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông hình thoi gồm 02 loại biển là biển báo I.401 “Bắt đầu đường ưu tiên” và biển báo I.402 “Kết thúc đường ưu tiên”.

- Biển báo I.401 “Bắt đầu đường ưu tiên” báo cho các phương tiện đang lưu thông trên đoạn đường nàyđược quyền ưu tiên đi trước qua nơi giao nhau.

- Biển báo I.402 “Kết thúc đường ưu tiên”, báo cho tài xế biết phía trước đã kết thúc đoạn đường ưu tiên.

4.6. Biển báo giao thông hình lục giác đều

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông hình lục giác đều chính là biển báo R.122 “Dừng lại”.

Biển này có nền màu đỏ, viền và chữ “STOP” bên trong màu trắng với ý nghĩa báo hiệu các xe (bao gồm cả xe cơ giới và xe thô sơ) phải dừng lại.

Biến báo giao thông hình lục giác đều
Biến báo giao thông hình lục giác đều (Ảnh minh họa)

Biển báo giao thông hình lục giác đều được đặt ở vị trí góc đường hoặc chỗ giao cắt để người tham gia giao thông phải dừng lại để quan sát. Người tham gia giao thông chỉ đi tiếp nếu đoạn đường phía trước thông thoáng nhưng cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhường đường.

Biển này có hiệu lực buộc đối với các loại xe cơ giới và thô sơ kể cả xe được ưu tiên theo quy định (xe công an làm nhiệm vụ, xe cứu thương, xe chữa cháy,…) đều phải dừng lại trước biển báo dừng lại.


5. Biển báo giao thông thường gặp

5.1. Biển báo giao thông cấm đi ngược chiều

Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo cấm đi ngược chiều có dạng hình tròn, nền đỏ và một gạch ngang to màu trắng ở giữa. Biển báo cấm đi ngược chiều được đặt ở đầu các tuyến đường một chiều nên nhiều người còn gọi là biển báo hiệu đường 1 chiều.  
biển báo cấm đi ngược chiều

Biển báo cấm đi ngược chiều có ý nghĩa báo hiệu đoạn đường phía trước cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ như xe cứu hỏa; xe quân sự, xe công an đi, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương; xe hộ đê,… Riêng người đi bộ được phép đi trên vỉa hè hoặc lề đường.

5.2. Biển báo giao thông dành cho người đi bộ

Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông dành cho người đi bộ bao gồm các biển báo sau:

- Biển báo P.112 “Cấm người đi bộ”: Có ý nghĩa báo hiệu đoạn đường phía trước cấm người đi bộ qua lại. Biển này được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm, có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường.
Biển báo P.112 “Cấm người đi bộ”

- Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang”: Có ý nghĩa báo trước sắp tới phần đường dành cho người đi bộ sang qua đường. Khi gặp biển này, các phương tiện phải giảm tốc độ, nhường ưu tiên cho người đi bộ. Các xe chỉ được phép chạy khi không gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang”

- Biển báo R.305 “Đường dành cho người đi bộ”: Có ý nghĩa báo hiệu đoạn đường phái trước dành cho người đi bộ. Các loại xe cơ giới và thô sơ (trừ xe đạp và xe lăn dành cho người tàn tật), kể cả xe được ưu tiên đều không được phép đi vào.
Biển báo R.305 “Đường dành cho người đi bộ”

- Biển báo I.423 (a,b) “Vị trí người đi bộ sang ngang”: Có ý nghĩa chỉ dẫn người đi bộ và người tham gia giao thông biết vị trí dành cho người đi bộ sang ngang. Các phương tiện gặp biển báo này phải điều khiển xe chạy chậm, chú ý quan sát, ưu tiên cho người đi bộ sang ngang.
Biển báo I.423 (a,b) “Vị trí người đi bộ sang ngang”

- Biển báo I.423c “Điểm bắt đầu đường đi bộ”: Có ý nghĩa chỉ dẫn cho người đi bộ và người lái xe biết nơi bắt đầu đoạn đường dành cho người đi bộ.
Biển báo I.423c “Điểm bắt đầu đường đi bộ”

- Biển báo I.424 (a,b) “Cầu vượt qua đường cho người đi bộ”: Có ý nghĩa chỉ dẫn cho người đi bộ sử dụng cầu vượt qua đường.
Biển báo I.424 (a,b) “Cầu vượt qua đường cho người đi bộ”

- Biển số I.424 (c,d) “Hầm chui qua đường cho người đi bộ”:  Có ý nghĩa chỉ dẫn cho người đi bộ sử dụng hầm chui qua đường.
Biển số I.424 (c,d) “Hầm chui qua đường cho người đi bộ”

5.3. Biển báo giao thông cấm đỗ xe

Căn cứ QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông cấm đỗ xe bao gồm 03 biển báo con: Biển báo P.131a, P.131b và P.131c.

- Biển báo P.131a: Cấm các phương tiện giao thông đỗ xe ở đoạn đường có lắp đặt biển báo này, ngoại trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
Biển báo P.131a

- Biển báo P.131b: Cấm đỗ xe ngày lẻ của tháng, trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
Biển báo P.131b

- Biển báo P.131c: Cấm các phương tiện đỗ xe trong các ngày chẵn của tháng, trừ các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ được ưu tiên.
Biển báo P.131c

5.4. Biển báo giao thông cấm rẽ phải

Biển báo giao thông cấm rẽ phải được ký hiệu là P.123b “Cấm rẽ phải”. Biển này có dạng hình tròn, viền đỏ, bên trong có hình vẽ mũi tên với hướng chỉ sang phải kèm theo gạch chéo màu đỏ từ trên xuống.
Biển báo giao thông cấm rẽ phải

Biển báo giao thông cấm rẽ phải có ý nghĩa báo hiệu báo cấm rẽ phải (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau.

Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ sang phải, trừ các xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ.

Lưu ý: Biển báo cấm rẽ phải không có giá trị cấm quay đầu xe.

5.5. Biển báo giao thông cấm rẽ trái

Biển báo giao thông cấm rẽ trái được ký hiệu là P.123a “Cấm rẽ trái”. Biển này có dạng hình tròn, viền đỏ, nền trắng, bên trong có hình vẽ mũi tên với hướng chỉ sang trái kèm theo gạch chéo màu đỏ từ trên xuống.
Biển báo giao thông cấm rẽ trái

Biển báo giao thông cấm rẽ trái có ý nghĩa báo hiệu báo cấm rẽ trái (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau.

Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ sang trái, trừ các xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ.

Lưu ý: Biển báo cấm rẽ trái không có giá trị cấm quay đầu xe.

5.6. Biển báo giao thông cấm quay đầu xe

Biển báo giao thông cấm quay đầu xe được ký hiệu là P.124 (a,b) “Cấm quay đầu xe”. Biển này có dạng hình tròn, viền đỏ, nền trắng, bên trong có mũi tên màu đen hình chữ U biểu thị dấu hiệu quay đầu kèm theo gạch chéo màu đỏ từ trên xuống.
Biển báo giao thông cấm quay đầu

Biển báo cấm quay đầu dùng để báo hiệu đoạn giao nhau phía trước cấm các loại xe quay đầu (theo kiểu chữ U) theo chiều mũi tên.


6. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về biển báo giao thông

6.1. Cơ quan nào có quyền đặt biển báo giao thông?

Để trả lời cho câu hỏi trên, cần căn cứ vào Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008:

1. Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây:

b) Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ;[…]

2. Trách nhiệm tổ chức giao thông quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

Theo đó, Chủ tich Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chính là người có thẩm quyền tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý, trong đó có việc quy định các đoạn đường lắp đặt biển báo hiệu đường bộ.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 Thông tư 32/2014/TT-BGTVT, nếu được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân công nghiệm vụ thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ có quyền tổ chức giao thông đối với các tuyến đường giao thông nông thôn, bao gồm cả việc bố trí, lắp đặt biển báo giao thông.

6.2. Biển báo giao thông được đặt ở vị trí nào?

Theo Quy chuẩn 41, biển báo giao thông phải đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.

Biển báo giao thông được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; hoặc đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt).

Biển báo cấm được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm. Nếu biển phải đặt cách xa vị trí định cấm thì phải đặt biển phụ số S.502 để chỉ rõ khoảng cách từ sau biển cấm đến vị trí biển bắt đầu có hiệu lực.

Biển báo nguy hiểm và cảnh báo được đặt trước nơi định báo một khoảng cách phù hợp với phương tiện giao thông và thực tế để đảm bảo dễ quan sát, không ảnh hưởng tới tầm nhìn.

Các biển hiệu lệnh phải đặt tại vị trí cần báo hiệu lệnh. Nếu điều kiện khó khăn cần đặt xa hơn thì phải đặt kèm biển phụ S.502.

Các biển phụ được đặt ngay phía dưới biển chín, trừ biển S.507 sử dụng độc lập được đặt ở phía lưng đường cong đối diện với hướng đi hoặc đặt ở giữa đảo an toàn nơi đường giao nhau.

6.3. Hiệu lực của biển báo giao thông đến đâu?

Điều 19 của Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT quy định về hiệu lực của biển báo giao thông như sau:

- Biển báo nguy hiểm và cảnh báo và biển chỉ dẫn: Có giá trị trên các làn đường của chiều xe chạy.

- Biển báo cấm và biển hiệu lệnh: Có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường.

- Biển báo khác khi sử dụng độc lập: Người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của biển báo đó.

Trường hợp đoạn đường được bố trí nhiều hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau thì thứ tự chấp hành hiệu lệnh sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT như sau:

(1) Ưu tiên hiệu lệnh của người điều khiển giao thông trước.

(2) Sau đó đến hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

(3) Tiếp đến là hiệu lệnh của biển báo hiệu giao thông.

(4) Cuối cùng là hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Trường hợp có đoạn đường di chuyển có lắp cả biển báo hiệu cố định và biển báo tạm thời mang ý nghĩa khác nhau thì thực hiện chỉ dẫn của biển báo tạm thời.

6.4. Không tuân thủ biển báo giao thông bị phạt thế nào?

Nếu không chấp hành chỉ dẫn của hệ thống biển báo giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính về lỗi không tuân thủ biển báo giao thông. Mức phạt được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:

Phương tiện

Mức phạt

Căn cứ

Phạt tiền

Vi phạm mà gây tai nạn

Ô tô

300.000 - 400.000 đồng

Tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng

Điểm a khoản 1 và điểm c khoản 11 Điều 5

Xe máy

100.000 - 200.000 đồng

Tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng

Điểm a khoản 1 và điểm c khoản 10 Điều 6

Máy kéo, xe máy chuyên dùng

100.000 - 200.000 đồng

Tước Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 - 04 tháng

Điểm a khoản 1 và điểm b khoản 10 Điều 7

Xe đạp

80.000 - 100.000 đồng

Điểm a khoản 1 Điều 8

Trên đây là những thông tin quan trong liên quan đến biển báo giao thông mà bất kì ai cũng nên biết. Nếu gặp vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực giao thông nói chung hoặc các vấn đề pháp lý khác, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được các chuyên gia của LuatVietnam tư vấn cụ thể.

Đánh giá bài viết:
(15 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tích hợp tiện ích mua thuốc trực tuyến trên VNeID - một trong những cấu phần quan trọng trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025 ngay tại bài viết dưới đây.