Người khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm không? Làm cách nào để lấy lại?

Vì nhiều lý do khác nhau mà Sổ đỏ, Sổ hồng do người khác chiếm giữ. Vậy, khi không có ủy quyền mà người khác giữ Sổ đỏ thì có nguy hiểm hay không? Làm cách nào để lấy lại? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân; tùy vào từng thời kỳ mà Sổ đỏ, Sổ hồng có tên gọi pháp lý khác nhau. Từ ngày 10/12/2009 đến nay, khi đủ điều kiện thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận).

Để biết việc người khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm hay không thì trước tiên phải biết Sổ đỏ không phải là tài sản. Khi Sổ đỏ không phải là tài sản thì sẽ loại trừ được rủi ro là không được cầm cố.

Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”

Theo đó, tài sản gồm 04 dạng là: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Điều 115 Bộ luật này cũng giải thích quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Bên cạnh đó, dù pháp luật không có điều khoản nào quy định thuộc tính của tài sản nhưng từ góc độ nghiên cứu và thực tiễn giải quyết, để trở thành tài sản phải có đủ các thuộc tính sau:

- Con người có thể chiếm hữu được.

- Đáp ứng nhu cầu tinh thần hoặc vật chất cho chủ thể.

- Phải có thể trị giá được thành tiền và là đối tượng trong trao đổi tài sản.

- Khi chúng không còn tồn tại thì quyền sở hữu bị chấm dứt (đối với đất là quyền sử dụng).

Đối chiếu với các thuộc tính trên thì Giấy chứng nhận không thỏa mãn được thuộc tính cuối cùng, vì khi Giấy chứng nhận không còn tồn tại (bị cháy,…) thì tài sản vẫn còn tồn tại. Hay nói cách khác, dù Giấy chứng nhận có bị cháy đi chăng nữa thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc về người sử dụng đất.

Mặc dù Giấy chứng nhận không phải là tài sản nhưng là giấy tờ rất quan trọng vì đó là chứng thư pháp lý để xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 như sau:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Không được sử dụng Sổ đỏ để cầm cố

Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”

Căn cứ theo quy định trên thì người sử dụng đất không có quyền cầm cố quyền sử dụng đất vì người dân chỉ có quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu.

Tại Điều 166, khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ người sử dụng đất không có quyền cầm cố mà chỉ có các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất,…

Bên cạnh đó, như đã chứng minh ở trên thì Giấy chứng nhận không phải là tài sản, khi không phải là tài sản thì không được sử dụng để làm tài sản bảo đảm.

người khác giữ Sổ đỏNgười khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm không? (Ảnh minh họa)

Không được thế chấp nếu không có ủy quyền

Căn cứ Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.

Theo đó, nếu không có giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì không thể tự ý thế chấp.

Người khác giữ Sổ đỏ nhưng không trả nên báo mất để cấp lại

Khi người khác cầm giữ Giấy chứng nhận nhiều người sẽ chọn phương án khởi kiện đòi Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, khi kiện đòi sẽ có hai quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất: Không được kiện đòi Giấy chứng nhận

Như đã phân tích ở trên, Giấy chứng nhận không phải là tài sản nên Tòa án sẽ không tiếp nhận đơn khởi kiện. Tại Mục 3 Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 2/9/2011 nêu rõ về việc từ chối đơn khởi kiện kiện đòi Giấy chứng nhận.

Quan điểm thứ hai: Được kiện đòi Giấy chứng nhận

Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

"Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng".

Theo đó, mặc dù Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 không có quy định giấy chứng nhận là tài sản nhưng theo nguyên tắc trên thì Tòa án khongo được từ chối yêu cầu khởi kiện đòi Giấy chứng nhận.

Mặc dù, trên thực tế Tòa án có thể tiếp nhận yêu cầu khởi kiện thì việc khởi kiện cũng mất nhiều thời gian, chi phí. Thay vì lựa chọn phương án khởi kiện thì người sử dụng đất nên lựa chọn phương án báo mất Giấy chứng nhận để cấp lại theo thủ tục dưới đây.

* Phải báo UBND cấp xã nơi có đất

Khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân có Giấy chứng nhận bị mất phải khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.

Sau khi tiếp nhận khai báo của hộ gia đình, cá nhân thì UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã.

Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo nếu không tìm được hoặc không lấy lại được Giấy chứng nhận thì hộ gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại.

* Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận

Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất gồm có:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK.

- Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận.

- Nếu bị mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

* Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã thì:

- Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện.

- Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Bước 4: Trả kết quả

Thời gian cấp lại: Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã...

Kết luận: Nếu người dân nắm rõ những quy định trên thì khi người khác giữ Sổ đỏ của mình cũng không phải lo lắng vì người đó không thể tự ý thế chấp, không được cầm cố; trong trường hợp này người đứng tên trong Giấy chứng nhận chỉ cần báo mất để cấp lại, khi được cấp lại thì Giấy chứng nhận do người khác đang giữ không có giá trị pháp lý.

Trường hợp có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Mua bán nhà đất: Lưu ý gì về điều kiện, hồ sơ, thủ tục?

Đánh giá bài viết:
(8 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục