Thủ tục ly hôn khi mang thai nhanh nhất

Hiện nay, quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em vẫn luôn được toàn xã hội quan tâm cũng như pháp luật nước ta bảo hộ. Một trong số đó được biểu hiện rõ nhất trong thủ tục ly hôn khi mang thai.


Không cấm người vợ đang có thai yêu cầu ly hôn

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án (đơn phương ly hôn) hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (thuận tình ly hôn).

Do đó, khi hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích của hôn nhân không đạt được, vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có thể thỏa thuận để yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo đó, bên cạnh việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, nếu ly hôn, hai người còn yêu cầu hoặc thỏa thuận các vấn đề khác như phân chia tài sản chung, giành quyền nuôi con, cấp dưỡng…

Dù vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Điều 51 Luật HN&GĐ khẳng định:

Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Nếu thuộc một trong ba trường hợp nêu trên, vợ đang có thai, vợ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được quyền yêu cầu ly hôn.

Điều này đồng nghĩa với việc, Luật chỉ cấm chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai mà không cấm trường hợp ngược lại. Do đó, vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn khi đang mang thai.

Tuy nhiên, khi đơn phương yêu cầu ly hôn thì Tòa sẽ giải quyết ly hôn nếu có các căn cứ nêu tại Điều 56 Luật HN&GĐ:

- Chồng có hành vi bạo lực gia đình;

- Chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến không thể tiếp tục duy trì mối quan hệ hôn nhân nữa.

Như vậy, khi vợ đang mang thai, chồng không được yêu cầu ly hôn nhưng trường hợp hai người ly hôn thuận tình hoặc vợ yêu cầu ly hôn đơn phương thì không bị pháp luật cấm

Xem thêm

thu tuc ly hon khi mang thai

Thủ tục ly hôn khi mang thai và 3 quy định không thể bỏ qua (Ảnh minh họa)

Thủ tục ly hôn khi người vợ đang mang thai

Theo phân tích trên, khi vợ mang thai vẫn có thể yêu cầu ly hôn trong hai trường hợp:

- Thuận tình ly hôn;

- Vợ đơn phương yêu cầu ly hôn.

Theo đó, thủ tục trong hai trường hợp nêu trên được thực hiện cụ thể như sau:

Thuận tình ly hôn

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Đơn xin ly hôn thuận tình;

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của vợ hoặc của chồng (hai vợ chồng có thể thỏa thuận Tòa án nộp hồ sơ).

Bước 3: Nộp tạm ứng lệ phí và Tòa án sẽ xem xét việc thụ lý đơn xin thuận tình ly hôn.

Bước 4: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Lúc này, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải.

Bước 5: Ra quyết định

- Nếu hòa giải thành, vợ chồng đoàn tụ thì Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn;

- Nếu hòa giải không thành, Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Xem thêm

Vợ đơn phương yêu cầu ly hôn

Để được Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn, ngoài những giấy tờ trong trường hợp thuận tình ly hôn, người vợ cần phải chuẩn bị:

Đơn xin ly hôn (theo mẫu trong trường hợp đơn phương);

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu ly hôn đơn phương: Chồng có hành vi bạo lực gia đình, không thực hiện nghĩa vụ của mình với gia đình…

Khác với thuận tình ly hôn, trong trường hợp này Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi người chồng cư trú, làm việc (Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Trong trường hợp ly hôn đơn phương, Tòa án vẫn tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các bên. Nếu hòa giải không thành thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử và kết quả được nêu tại bản án.

Xem thêm

Ly hôn khi đang có thai, người mẹ được ưu tiên nuôi con?

Theo Điều 88 Luật HN&GĐ, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Thậm chí, nếu con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân cũng được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Do đó, nếu người vợ đang có thai mà làm đơn yêu cầu ly hôn thì con sau khi sinh ra vẫn là con chung của hai vợ chồng. Vì vậy, dù đã ly hôn nhưng hai người đều có quyền, nghĩa vụ với người con này.

Sau khi ly hôn, nếu thỏa thuận được người sẽ nuôi dưỡng con thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Nếu không thỏa thuận được thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.

Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, trông nom, chăm sóc, giáo dục thì sẽ giao cho người bố hoặc một người khác theo quy định. Và người nào không trực tiếp nuôi dưỡng sẽ có trách nhiệm cấp dưỡng cho con.

Như vậy, mặc dù người mẹ được ưu tiên nuôi con dưới 36 tháng tuổi nhưng nếu không đủ điều kiện để chăm sóc và cho con môi trường tốt nhất thì có thể sẽ không được trực tiếp nuôi con.

Trên đây là quy định hiện hành về thủ tục ly hôn khi mang thai: Người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn mà chỉ được ly hôn khi hai bên cùng thuận tình ly hôn hoặc người vợ yêu cầu ly hôn đơn phương. Đồng thời, độc giả có thể sử dụng thêm dịch vụ tư vấn trực tuyến về ly hôn để nắm rõ hơn. 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục