Giành quyền nuôi con khi không kết hôn thế nào?

Việc sống thử mang đến nhiều hệ lụy không mong muốn cho những cặp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Và việc giành quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn là một trong số đó.


Chưa đăng ký kết hôn - nhiều "hệ lụy" không mong muốn

Trào lưu sống thử đang khiến những cặp nam nữ sống chung như vợ chồng gặp rất nhiều hệ lụy không tốt kèm theo. Trước hết, pháp luật không công nhận quan hệ hôn nhân của hai người bởi theo Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) có nêu rõ:

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nếu không thì không có giá trị pháp lý

Do vậy, việc sống chung không đăng ký kết hôn với cơ quan có thẩm quyền thì việc sống chung đó không được coi là quan hệ hôn nhân, không được pháp luật bảo vệ.

Kéo theo đó là hàng loạt những “hệ lụy” không mong muốn như:

- Không được bảo vệ nếu có người thứ ba: Không phải là vợ chồng hợp pháp thì không có quyền, nghĩa vụ ràng buộc với nhau như yêu thương, chung thủy… (Điều 19 Luật HN&GĐ).

- Khai sinh cho con không có tên cha: Một trong những giấy tờ cần có khi đăng ký khai sinh cho con là giấy đăng ký kết hôn. Nếu không có thì những đứa con chung sẽ được khai sinh theo trường hợp chưa xác định được cha và phần ghi thông tin về cha sẽ bị để trống;

- Khó xử lý tài sản chung: Với những tài sản đứng tên một người trong thời gian sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn, việc chứng minh phần đóng góp của người còn lại sẽ rất khó khăn…

Xem thêm: 4 thiệt thòi về pháp lý khi chán “sống thử”

Ai có quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn?

Theo quy định tại Điều 14 Luật HN&GĐ, dù có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn nhưng không đăng ký mà chỉ sống chung với nhau như vợ chồng thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng. Nhưng quyền, nghĩa vụ với con vẫn được xác lập.

Theo đó, Điều 71 Luật này nêu rõ, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Do đó, khi không chung sống với nhau nữa thì việc quyết định ai nuôi con vẫn dựa vào nguyên tắc thỏa thuận.

Hai người có thể thỏa thuận về người nuôi con, nghĩa vụ, quyền của các bên khi không chung sống với nhau nữa. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi của con để giao con cho người nào trực tiếp nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, có 02 trường hợp đặc biệt sau, Tòa án sẽ:

- Xem xét nguyện vọng của con nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên;

- Mẹ trực tiếp nuôi con khi con dưới 36 tháng tuổi. Dù vậy, nếu người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con thì Tòa có thể xem xét giao con cho cha hoặc người khác đáp ứng đủ điều kiện.

Như vậy, quan hệ giữa cha, mẹ, con vẫn tồn tại mà không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ.

Do đó, khi muốn giành quyền nuôi con trong trường hợp này thì một trong hai người có thể thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì phải chứng minh được bản thân có điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con.

giành quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn

Làm sao để giành quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn (Ảnh minh họa)

Nuôi con khi không kết hôn được yêu cầu cấp dưỡng?

Cấp dưỡng được hiểu là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền, tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người chưa thành niên, đã thành niên mà không có khả năng lao động… có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng nhưng không sống chung với mình. (Điều 3 Luật HN&GĐ).

Như phân tích ở trên, dù cha mẹ không đăng ký kết hôn nhưng quyền, nghĩa vụ đối với con vẫn không khác với khi đăng ký kết hôn. Bởi vậy, nếu không trực tiếp nuôi con, cha hoặc mẹ cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có nghĩa vụ nhưng việc xác nhận quan hệ cha, mẹ con trong trường hợp không đăng ký kết hôn là rất khó. Bởi nếu muốn được cấp dưỡng thì bắt buộc phải được công nhận là cha, mẹ con.

Xem thêm: Cách yêu cầu cấp dưỡng khi không đăng ký kết hôn

Nói tóm lại, để có thể giành được quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn, cha hoặc mẹ phải thỏa thuận được với nhau. Nếu không khi yêu cầu Tòa án giải quyết thì phải chứng minh được bản thân có đủ điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

>> Giành quyền nuôi con khi ly hôn: Toàn bộ hướng dẫn chi tiết

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục