Đặt tên con theo tên diễn viên Hàn Quốc có đúng luật?

Việc được đặt họ tên là quyền cơ bản của mỗi con người. Thông thường, tên của con sẽ do cha, mẹ đặt. Vậy nhiều bậc phụ huynh muốn đặt tên con theo tên diễn viên Hàn Quốc có được không?


Có được đặt tên con theo tên Hàn Quốc không?

Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Trong đó, tên khai sinh của một người được xác định theo quy định tại diểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

- Tên của trẻ được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ căn cứ vào quy định của pháp luật, thể hiện cụ thể trong Tờ khai đăng ký khai sinh.

- Nếu cha mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận thì xác định theo tập quán. Trong đó, tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, được áp dụng rộng rãi trong vùng, miền, dân tộc…

Theo đó, khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự đưa ra một số yêu cầu với việc đặt tên của công dân Việt Nam như sau:

- Phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Đây là quy định áp dụng từ khi Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực. Do đó, khi đặt tên cho con là công dân Việt Nam, cha mẹ không được sử dụng tiếng nước ngoài như tên diễn viên Hàn Quốc, tên tiếng Anh…

- Không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Ví dụ, cha mẹ không được đặt tên con bằng các cái tên như Nguyễn Văn 2, Lê Văn @...

- Việc đặt tên sẽ bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với nguyên tắc tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 sau đây:

- Cá nhân bình đẳng với nhau, được pháp luật bảo hộ như nhau về quyền nhân thân và tài sản.

- Xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ trên cơ sở tụ nguyện, tự do thỏa thuận nhưng không được trái đạo đức xã hội, vi phạm điều cấm của Luật…

Ngoài ra, việc đặt tên cho con phải đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP là:

Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Như vậy, có thể khẳng định cha, mẹ không được đặt tên con theo tên của diễn viên Hàn Quốc, Anh Quốc… cũng không được đặt tên con số, ký tự mà không phải chữ, không được quá dài, khó sử dụng và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác…

>> Tổng đài tư vấn ly hôn miễn phí của LuatVietnam 1900.6192

dat ten con theo ten dien vien han quoc


Dùng lý do nào thì sẽ được đổi tên?

Theo Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước đổi tên nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Việc dùng tên cũ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

- Cha, mẹ nuôi yêu cầu thay đổi tên cho con nuôi hoặc theo yêu cầu của con nuôi, cha, mẹ đẻ khi thôi làm con nuôi.

- Khi xác định cha, mẹ con mà có yêu cầu đổi.

- Người lưu lạc đã tìm được nguồn gốc huyết thống của mình yêu cầu.

- Vợ, chồng khi lấy chồng nước ngoài yêu cầu đổi tên để phù hợp pháp luật nước đó.

- Người đã xác định lại giới tính, người chuyển đổi giới tính.

- Trường hợp khác.

Từ quy định này có thể thấy, không phải trường hợp nào, cha, mẹ muốn đổi tên cho con cũng đều được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng ý đổi tên mà chỉ thuộc các trường hợp nêu trên thì mới được đổi tên.

Ngoài ra, nếu muốn đổi tên cho con từ đủ 09 tuổi trở lên thì cần phải có sự đồng ý của người từ đủ 09 tuổi. Và đặc biệt, việc thay đổi tên không làm thay đổi, chấm dứt quyền hay nghĩa vụ của người đó khi đã thực hiện theo tên cũ.

Trên đây là phân tích về việc đặt tên con theo tên diễn viên Hàn Quốc có đúng luật? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được gặp chuyên gia của LuatVietnam.

>> Hướng dẫn thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh

Theo dõi thêm LuatVietnam tại:

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục