Việt Nam có cho 2 quốc tịch không?
Theo quy định hiện nay tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam trừ 04 trường hợp sau đây:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài những vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam nêu tại khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo đó, nếu định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
- Người đang có quốc tịch nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam khi là vợ, chồng, cha mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hoặc có lợi cho Việt Nam hoặc trường hợp đặc biệt khác được Chủ tịch nước cho phép (theo khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam).
- Xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài. Theo đó, các trường hợp được có hai quốc tịch gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hoặc có lợi cho Việt Nam hoặc trường hợp đặc biệt khác được Chủ tịch nước cho phép (khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam).
- Trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi. Khi đó, trẻ em trong trường hợp này vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam nên vẫn được có hai quốc tịch nếu pháp luật nước ngoài cho phép (Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam).
Do đó, trong bốn trường hợp nêu trên, công dân sẽ có thể vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài. Riêng các trường hợp khác thì công dân chỉ có một quốc tịch Việt Nam.
Đặt tên cho con có 2 quốc tịch như thế nào?
Mặc dù con có hai quốc tịch nhưng có một trong các quốc tịch là quốc tịch Việt Nam thì khi đăng ký khai sinh trên lãnh thổ Việt Nam, việc đặt tên cho con có 2 quốc tịch phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, dù có hai quốc tịch, khi đặt tên cho con có 2 quốc tịch cũng cần phải lưu ý những quy định sau đây:
- Tên đặt không xâm phạm quyền, lợi ích của người khác. Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc đặt tên bị hạn chế khi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, tên thế nào bị coi là bị hạn chế khi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
- Tên phải bằng tiếng Việt: Quy định này nêu tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, mặc dù con có 2 quốc tịch nhưng khi có quốc tịch Việt Nam thì phải đặt tên theo quy định này và trong tên của trẻ phải có tên tiếng Việt.
Ngoài ra, với trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam thì cũng phải có tên gọi Việt Nam (khoản 4 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam).
- Không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ, không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Nội dung này được nêu tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP.
Theo đó, khi đặt tên cho trẻ thì không được đặt bằng số, ký tự, không phải chữ, không được quá dài, khó sử dụng và đặc biệt phải phù hợp với pháp luật, giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của Việt Nam.
Trên đây là giải đáp về vấn đề: Đặt tên cho con có 2 quốc tịch như thế nào? Nếu độc giả còn vấn đề vướng mắc gì liên quan đến vấn đề này, có thể liên hệ tổng đài của LuatVietnam 19006192 để chuyên gia pháp lý hỗ trợ, giải đáp.