Đặt tên con có yếu tố nước ngoài thế nào?
Con có yếu tố nước ngoài được xác định là một trong các trường hợp sau đây:
- Trẻ có cha mẹ là người nước ngoài nhưng sinh ra tại Việt Nam.
- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc không có quốc tịch.
- Cha mẹ là công dân Việt Nam nhưng đều định cư ở nước ngoài hoặc một trong hai người ở trong nước còn người kia ở nước ngoài.
Do đó, việc đặt tên con có yếu tố nước ngoài sẽ thực hiện theo một trong ba trường hợp sau đây:
- Con là công dân Việt Nam và thực hiện khai sinh tại Việt Nam thì việc đặt tên con phải đảm bảo quy định của Việt Nam tại Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan khác.
- Con có hai quốc tịch trong đó có quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu con đăng ký khai sinh tại Việt Nam thì vẫn phải đáp ứng các điều kiện, quy định về đặt tên con theo pháp luật Việt Nam.
- Con là người nước ngoài, thực hiện đăng ký khai sinh ở Việt Nam: Không phải tuân theo các quy định được nêu tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự về việc đặt tên:
Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Bởi những quy định này chỉ áp dụng với công dân Việt Nam. Do đó, nếu trẻ em là người nước ngoài thì việc đặt tên sẽ thực hiện theo thoả thuận của cha mẹ của trẻ.
Khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài thế nào?
Việc khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài được hướng dẫn tại Điều 35 và Điều 36 Luật Hộ tịch năm 2014. Cụ thể như sau:
- Hồ sơ đăng ký khai sinh: Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu và giấy chứng sinh. Nếu không có giấy chứng sinh thì có thể nộp một số giấy tờ thay thế: Văn bản xác nhận việc sinh của người làm chứng; giấy cam kết về việc sinh; văn bản mang thai hộ…
- Văn bản chọn quốc tịch cho con của cha mẹ là người nước ngoài. Nếu chọn quốc tịch nước ngoài thì phải có xác nhận của cơ quan của nước mà người này là công dân trong văn bản thoả thuận.
- Giấy tờ chứng minh trẻ em cư tru tại Việt Nam như hộ chiếu, giấy tờ đi lại quốc tế và văn bản xác nhận về việc trẻ đang cư trú tại Việt Nam của cơ quan công an.
Ngoài giấy tờ phải nộp nêu trên, người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú, giấy chứng nhận kết hôn (nếu có).
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Người có yêu cầu nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi cha mẹ cư trú.
- Thời gian giải quyết: Ngay trong ngày được tiếp nhận yêu cầu đăng ký khai sinh, phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh: Ghi nội dung khai sinh vào sổ hộ tịch, ký tên vào sổ hộ tịch và cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Lưu ý: Nếu nộp hồ sơ sau 15 giờ thì kết quả đăng ký khai sinh sẽ được trả vào ngày làm việc tiếp theo nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ. Riêng trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đủ điều kiện đăng ký khai sinh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện sẽ từ chối giải quyết và trả lời bằng văn bản lý do vì sao từ chối giải quyết.
- Lệ phí khai sinh: Hiện việc tính lệ phí đăng ký khai sinh đang được thực hiện theo điểm e khoản 3 Điều 1 Thông tư số 106/2021/TT-BTC. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định chi tiết mức lệ phí với từng trường hợp cụ thể.
Trên đây là giải đáp về việc đặt tên con có yếu tố nước ngoài. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.