Ngày nay, không ít các trường hợp éo le khi cưới nhau rồi mới phát hiện hai vợ chồng là anh em của nhau. Vậy làm thế nào để xác định phạm vi 3 đời để kết hôn?
Cách xác định phạm vi 3 đời để kết hôn
Theo quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có họ trong phạm vi ba đời được xác định là những người có cùng một gốc sinh ra. Bao gồm các đời cụ thể như sau:
- Đời thứ nhất: Cha mẹ
- Đời thứ hai: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha
- Đời thứ ba: anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì
Trong đó, những người có cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Căn cứ vào quy định trên, có thể hiểu, đời thứ nhất sinh ra đời thứ hai, đời thứ hai sinh ra đời thứ ba.
Do đó, xét về mặt tình cảm, những người trong phạm vi ba đời có quan hệ huyết thống rất gần nhau. Xét về mặt pháp luật, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa:
- Những người cùng dòng máu về trực hệ;
- Những người có họ trong phạm vi ba đời;
Như vậy, cách xác định phạm vi 3 đời để kết hôn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Cách xác định phạm vi 3 đời để kết hôn (Ảnh minh họa)
Kết hôn trong phạm vi 3 đời bị phạt thế nào?
Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì hành vi kết hôn với người có quan hệ trong phạm vi 3 đời sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, những người sau đây cũng không được phép kết hôn với nhau:
- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
- Giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi,
- Giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể,
- Giữa cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
Trên đây là cách xác định phạm vi 3 đời để đăng ký kết hôn. Để tìm hiểu thêm các thông tin về hôn nhân gia đình thì xem tiếp tại đây.
Nguyễn Hương