Không cho con kết hôn, cha mẹ có thể bị phạt nặng!

Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân gia đình theo quy định của pháp luật. Vậy khi nào thì bị cấm kết hôn? Việc cha mẹ không cho con cái kết hôn có phạm luật không?


1. Cha mẹ có được cấm đoán con cái kết hôn không?

Theo quy định nêu trên, việc đăng ký kết hôn là do hai bên nam nữ tự nguyện đăng ký, quyết định. Chỉ cần việc kết hôn không vi phạm những quy định nêu trên thì hai người nam nữ có thể tự mình quyết định đăng ký kết hôn.

Lưu ý: Việc kết hôn bắt buộc phải được đăng ký và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Nếu không, quan hệ hôn nhân đó sẽ không được công nhận và không có giá trị pháp lý.

Còn việc cha mẹ cấm đoán sẽ không ảnh hưởng đến quyền được đăng ký kết hôn của con cái. Tuy nhiên, dù không ảnh hưởng nhưng trong mối quan hệ gia đình, việc có sự đồng ý của cha mẹ cũng rất quan trọng. Đặc biệt là trong xã hội Việt Nam luôn đề cao chữ hiếu.

2. Không cho con kết hôn cha mẹ có bị phạt không?

Nếu cha mẹ dùng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để cố tình ngăn cản không cho con cái kết hôn thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Khi đó, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất của hành vi ngăn cấm.

2.1 Xử phạt hành chính

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người nào cản trở người khác kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng

(quy định cũ tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đang phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với hành vi cấm người khác kết hôn tự nguyện, tiến bộ).

2.2 Chịu trách nhiệm hình sự

Không chỉ vậy, nếu hành vi nêu trên đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Như vậy, việc cha mẹ ngăn cản hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của con cái không chỉ gây mất đoàn kết trong gia đình mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Không cho con kết hôn, cha mẹ có thể bị phạt nặng!
Không cho con kết hôn cha mẹ có bị phạt không? (Ảnh minh họa)

3. Bị cấm kết hôn, con cái có được tự mình đăng ký không?

Bởi việc đăng ký kết hôn hoàn toàn do hai bên tự nguyện, được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ theo Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Ngoài ra, Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, cá nhân có quyền kết hôn khi đủ điều kiện.

Do đó, nếu bị ngăn cản kết hôn thì con cái có thể tự mình quyết định việc đăng ký.

Theo đó, hai người nam nữ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:

Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;

- Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh;

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cư trú cấp.

Trường hợp đã từng kết hôn thì phải nộp thêm Quyết định ly hôn của Tòa án.

Lưu ý là: Khi đăng ký kết hôn, hai người phải cùng có mặt tại nơi cấp giấy mà không được ủy quyền cho người khác.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn: Những điều cần biết


4. Thế nào là hôn nhân hợp pháp?

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Do đó, để quan hệ hôn nhân được coi là hợp pháp thì nam, nữ phải đáp ứng được các điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

- Độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Ý chí: Kết hôn dựa hoàn toàn vào việc nam nữ phải tự nguyện quyết định;

- Nam nữ đăng ký kết hôn phải là người có năng lực hành vi dân sự;

- Không thuộc các trường hợp cấm kết hôn;

- Phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Nếu không đăng ký thì việc kết hôn sẽ không có giá trị pháp lý.

- Nếu vợ chồng đã ly hôn thì bắt buộc phải đăng ký kết hôn lại mới được coi là hôn nhân hợp pháp.

Ngoài ra, với những người cùng giới tính thì Nhà nước không công nhận quan hệ hôn nhân này.

Thế nào là hôn nhân hợp pháp?
Thế nào là hôn nhân hợp pháp? (Ảnh minh họa)

5. 7 trường hợp không được phép kết hôn

Cấm kết hôn là việc nam nữ không được phép kết hôn. Việc kết hôn là vi phạm pháp luật và không được Nhà nước công nhận là hôn nhân hợp pháp.

Để được công nhận là hôn nhân hợp pháp, ngoài những quy định nêu trên thì hai người nam nữ phải không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn. Trong đó, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định 07 trường hợp sau đây không được phép kết hôn:

- Kết hôn giả tạo. Đây là việc lợi dụng việc kết hôn để thực hiện một mục đích nào khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình, tạo mối quan hệ hôn nhân giữa nam nữ.

Theo đó, mục đích khác có thể là: Để xuất cảnh, nhập cảnh, hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước…

- Tảo hôn: Là việc hai bên kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định.

- Cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn: Là việc dùng hành vi đe dọa, lừa dối nhằm mục đích ép buộc người khác phải kết hôn với mình.

- Vi phạm chế độ một vợ, một chồng: Là việc đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ, chồng hoặc kết hôn với người khác.

- Chung sống hoặc kết hôn với những người không được phép:

  • Những người cùng dòng máu trực hệ, có phạm vi ba đời;
  • Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi hoặc đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi;
  • Giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể;
  • Giữa cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

- Có hành vi yêu sách, đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn;

- Lợi dụng kết hôn để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.

Trên đây là giải đáp vấn đề: Không cho con kết hôn cha mẹ có bị phạt không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được tư vấn, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục