Đặt hàng rồi bom: Liệu có bị phạt?

Mới đây, hy hữu xảy ra vụ việc một nhà hàng bị "bom" 150 mâm cỗ phải lên mạng xã hội kêu gọi "giải cứu". Từ đó, khá nhiều người thắc mắc, liệu có chế tài nào xử phạt người bom hàng không?


"Bom hàng" là vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng?

Boom hàng là cách gọi thông thường để chỉ các trường hợp khách hàng đặt hàng, mua hàng nhưng không nhận khi được người bán giao hàng đến nhà, nơi làm việc…

Xét về bản chất, khi người mua và người bán thực hiện việc đặt hàng đồng nghĩa với việc đây đã là một giao dịch dân sự.

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.

Điều 116 Bộ luật này nêu rõ, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Từ quy định trên, có thể thấy, việc đặt hàng dù thông qua lời nói, văn bản hay đặt hàng trên mạng thông qua các website trung gian hoặc ở ngay trang web của chính nhãn hàng đó thì đều là ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, nội dung hợp đồng nêu tại Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm đối tượng; số lượng; chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng…

Do đó, khi người mua đặt hàng nhưng không nhận đã vi phạm về trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện nêu trong hợp đồng, giao dịch dân sự.

Bom hàng có bị xử lý không
Bom hàng có bị phạt không? (Ảnh minh họa)


Liệu có bị phạt khi đặt hàng nhưng không nhận?

Theo phân tích ở trên, có thể thấy hành vi “bom hàng” đã vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, Điều 360 Bộ luật Dân sự mới nhất nêu rõ:

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Do đó, nếu bom hàng mà gây thiệt hại thì bên đặt hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Thiệt hại trong trường hợp này cụ thể là chi phí phát sinh do người mua không nhận hàng như: Chi phí kho bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hóa…

Để được nhận tiền bồi thường thiệt hại, người bị bom hàng có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Như trong vụ việc nhà hàng bị bom 150 mâm cỗ vừa xảy ra mới đây, chủ nhà hàng có thể khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu đòi tiền bồi thường.

Tuy nhiên, đáng nói là, đây chỉ là một trường hợp hy hữu. Trong thực tế, việc bom hàng thường xảy ra với các gói hàng có giá trị không lớn nên nhiều người không chọn phương án này.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay, chưa có chế tài nào xử lý hành chính đối với người bom hàng. Đồng thời, đây chỉ là giao dịch dân sự nên không có căn cứ để quy trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.

Nói tóm lại, chưa có quy định cụ thể để xử lý hành vi bom hàng nên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bán nên thận trọng và lựa chọn các phương thức thanh toán sao cho “có lợi” nhất với mình.

>> Shipper cuỗm tiền, bom hàng có thể bị đi tù

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục