Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là hành vi đáng báo động hiện nay, nhất là khi các mạng xã hội ngày càng phổ biến và phát triển. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để làm nhục người khác với nhiều cách khác nhau. Vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, người bị hại cần tố cáo hành vi làm nhục người khác thế nào?
1. Thế nào là làm nhục người khác? Hành vi làm nhục người khác phổ biến hiện nay
Làm nhục người khác được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của họ. Hiện nay, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cơ quan tổ chức đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là trên mạng xã hội.
Người thực hiện hành vi làm nhục người khác thường có các hành vi sau (bằng lời nói hoặc hành động):
- Lăng mạ, chửi bới thậm tệ;
- Nói xấu, bóc phốt trên mạng xã hội;
- Cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông…
Có thể thấy, hành vi làm nhục người khác có thể được thể hiện cả ở dưới dạng hành động và lời nói. Theo đó, dưới dạng hành động, người phạm tội có thể sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như: Lột đồ, cắt tóc, đánh… người khác nơi đông người hoặc quay lại video và phát tán cho người khác.
Dưới dạng lời nói, người phạm tội thường có hành vi đăng các bài viết “bóc phốt”, nói xấu trên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác.
2. Tố cáo hành vi làm nhục người khác thế nào?
Mọi công dân đều được pháp luật bảo vệ khi bị xâm phạm quyền sở hữu về tài sản, danh dự, nhân phẩm, tính mạng… Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, người dân có thể tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
Điều này cũng được ghi nhận tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:
Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin tội phạm gồm:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Đồng thời, Điều luật này cũng nhấn mạnh mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ và được giải quyết kịp thời.
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Như vậy, khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh về việc có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm thì người dân có quyền làm Đơn tố cáo gửi cơ quan công an để được giải quyết kịp thời.
Thủ tục tố cáo hành vi làm nhục người khác thực hiện như sau:
Bước 01: Thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi làm nhục người khác
Chứng cứ, tài liệu có thể là hình ảnh, tin nhắn, file ghi âm, video… có liên quan đến hành vi làm nhục.
Bước 02: Chuẩn bị hồ sơ
Khi tố cáo tại cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo, tố giác tin báo tội phạm, cần chuẩn bị một số giấy tờ sau:
- Đơn tố cáo về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác;
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
- Các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 03: Tố cáo tại cơ quan có thẩm quyền
Người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm gửi đơn tố cáo tới một trong các cơ quan có thẩm quyền nêu trên, trong đó đơn giản nhất người dân có thể tới cơ quan công an nơi cư trú để tố cáo.
Về thời hạn giải quyết:
Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như sau:
- Với các tin báo tội phạm thông thường: Không quá 20 ngày.
- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm: Có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng.
3. Tội làm nhục người khác bị phạt bao nhiêu năm tù?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, người làm nhục người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác.
Theo đó, tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định các khung hình phạt đối với tội này như sau:
Hình phạt chính:
- Khung 01:
Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Khung 02:
+ Phạt tù từ 03 tháng - 02 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%.
- Khung 03:
Phạt tù từ 02 - 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm nạn nhân tự sát.
Hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Trên đây là hướng dẫn tố cáo hành vi làm nhục ngươi khác. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.