Mới đây, một bác sĩ đã bị khởi tố hình sự khi có hành vi làm bệnh án tâm thần giả cho người phạm tội. Vậy làm giả bệnh án tâm thần sẽ bị pháp luật xử lý thế nào?
Bệnh án tâm thần – "phao cứu sinh" cho người phạm tội?
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sau:
- Đang mắc bệnh tâm thần
- Mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Tuy nhiên, để được xem xét không phải chịu trách nhiệm hình sự, người mắc bệnh tâm thần bắt buộc phải đi trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Theo đó, chỉ khi được xác định là mắc bệnh tâm thần, bị mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi trong khi đang thực hiện việc gây nguy hiểm cho xã hội thì mới không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện và được đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Nếu kết quả giám định cho thấy khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, người này đang hoàn toàn bình thường, sau đó mới bị tâm thần thì theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 người này có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, không phải lúc nào bệnh án tâm thần cũng là "phao cứu sinh" cho người phạm tội.
Làm giả bệnh án tâm thần bị phạt thế nào? (Ảnh minh họa)
Người làm bệnh án tâm thần giả bị xử lý thế nào?
Bởi quan niệm sai lầm về việc người tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự nên nhiều kẻ phạm tội liều lĩnh tìm mọi cách để có được “bệnh án tâm thần” hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Trong những trường hợp này, người làm bệnh án tâm thần giả cho người phạm tội có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
- Tội giả mạo trong công tác được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ, làm và cấp giấy tờ giả… thì có thể bị phạt tù cao nhất là 20 năm tù.
- Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, mức phạt tù cao nhất trong trường hợp này có thể là tử hình. Ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là mức án dành cho người làm bệnh án tâm thần giả. Để tìm hiểu thêm các loại tội phạm khác, đọc tại đây.
Nguyễn Hương