Phạm tội khi "ngáo đá": Là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng?

Người bị ngáo đá có các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Vậy phạm tội khi "ngáo đá" thì bị xử lý như thế nào?

1. Phạm tội khi ngáo đá có bị xử lý hình sự không?

Ngáo đá là trạng thái loạn thần do sử dụng ma túy đá. Người sử dụng loại ma túy này thường xuất hiện hoang tưởng, ảo giác và có chứng rối loạn hành vi. Những biểu hiện như trên dân gian gọi là ngáo đá.

Dưới góc độ pháp lý, ngáo đá là hậu quả của hành vi chủ động, có ý thức sử dụng chất ma túy. Vì vậy, pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Theo Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015, trường hợp người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Phạm tội khi ngáo đá là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng?

Từ lúc ma túy đá xuất hiện ở Việt Nam, đã có rất nhiều vụ thảm án mà hung thủ thực hiện tội phạm trong cơn phê.

Người bị ngáo đá có các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Ngáo đá gây hoang tưởng tâm thần nhưng có phải là tình tiết giảm nhẹ khi xử án?

Hiện nay, việc rối loạn tâm thần do dùng các chất kích thích mạnh như: ma túy đá, thuốc lắc… không thuộc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Tuy nhiên, trong cấu thành của một số tội về vi phạm giao thông, việc sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác là tình tiết định khung tăng nặng tại:

- Điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

- Điểm b, khoản 2, Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường sắt.

- Điểm b, khoản 2, Điều 272 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường thủy.

pham toi khi ngao daPhạm tội khi ngáo đá (Ảnh minh họa)

3. Sử dụng ma túy đá bị xử lý như thế nào?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy hiện nay không bao gồm hành vi sử dụng ma túy trái phép. Do đó, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, việc sử dụng trái phép chất ma túy vẫn là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Cụ thể, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 01 triệu đồng.

Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để sử dụng trái phép chất ma túy.

Trường hợp người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là người nước ngoài, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.

(theo Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

4. Sử dụng ma túy đá có bị đưa đi cai nghiện bắt buộc không?

Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

1. Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 của Luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.

Trong đó, theo Điều 96, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Đồng thời, không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp:

- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

- Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;

- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Như vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, người sử dụng ma túy đá có thể bị đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Trên đây là các quy định của pháp luật để xử lý hành vi phạm tội khi ngáo đá. Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Vận chuyển ma túy mà không biết đó là ma túy thì phạm tội gì?
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục