- 1. Kiến nghị là gì? Các hình thức kiến nghị hiện nay
- 2. Quyền và nghĩa vụ của người kiến nghị
- 3. Hướng dẫn viết một văn bản kiến nghị chuẩn
- 3.1 Xác định nơi có thẩm quyền giải quyết kiến nghị
- 3.2 Thu thập đủ số lượng chữ ký
- 3.3 Xác định phương tiện thích hợp để kiến nghị
- 3.4 Nội dung phù hợp
- 3.5 Mẫu đơn kiến nghị cần chuẩn
1. Kiến nghị là gì? Các hình thức kiến nghị hiện nay
Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó.
(Theo khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013)
Thực chất, đơn kiến nghị là một văn bản dùng để trình bày ý kiến hay nguyện vọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức về một vấn đề nào đó liên quan đến việc thực hiện đường lối, chủ trương hay chính sách pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của những cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.
Hoạt động kiến nghị có ý nghĩa cực kỳ quan trong các lĩnh vực đời sống và xã hội. Việc kiến nghị không chỉ giúp cho các cơ quan, tổ chức quản lý đón nhận được những thông tin hữu ích mà còn giúp đưa ra những giải pháp chính đáng góp phần hoàn thiện các chủ trương, biện pháp và các chính sách trong các lĩnh vực.
2. Quyền và nghĩa vụ của người kiến nghị
Người kiến nghị có thể được coi là một chủ thể trong mối quan hệ pháp luật, người kiến nghị có những quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định hiện hành. Cụ thể, quyền và nghĩa vụ của người kiến nghị được quy định tại Điều 7 Luật Tiếp công dân 2013 như sau:
Đầu tiên, quyền của người kiến nghị:
- Được trình bày, đề đạt về những nội dung mình muốn khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh lên các cơ quan chức năng có liên quan;
- Được cơ quan chức năng giải thích, hướng dẫn về những nội dung liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh của mình;
- Có quyền được khiếu nại hay tố cáo đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật của người tiếp công dân;
- Nhận thông báo về việc tiếp nhận đơn kiến nghị, kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền;
- Đối với trường hợp mà người khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh không thể sử dụng thông thạo được tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch cho mình;
- Ngoài ra còn có các quyền khác theo quy định pháp luật về việc khiếu nại, tố cáo.
Về nghĩa vụ của người kiến nghị khi ở nơi tiếp công dân:
- Phải nêu rõ họ tên và địa chỉ hoặc có thể xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền người kiến nghị (nếu có);
- Phải có thái độ đúng mực và tôn trọng người tiếp công dân;
- Phải trình bày sự việc một cách trung thực, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc kiến nghị, phản ánh; ký xác nhận nội dung trình bày đã được người tiếp công dân đã ghi chép lại;
- Nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người được phân công tiếp công dân;
- Trường hợp có nhiều người cùng kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì phải cử người đại diện ra để trình bày việc kiến nghị, phản ánh.
3. Hướng dẫn viết một văn bản kiến nghị chuẩn
Sau đây, bài viết sẽ hướng dẫn quy trình để viết một văn bản kiến nghị chuẩn nhất theo đúng quy định của pháp luật mà công dân có thể tham khảo. Theo trình tự thì có đủ 06 bước như sau:
3.1 Xác định nơi có thẩm quyền giải quyết kiến nghị
Đầu tiên công dân phải chắc chắn rằng nơi gửi đơn kiến nghị phải là cơ quan chức năng có nhiệm vụ xem xét và giải quyết đơn kiến nghị. Để kiểm chứng điều này, công dân có thể tra cứu trên website của chính quyền địa phương hoặc đến trực tiếp văn phòng hành chính để hỏi.
Sau đó, chỉ cần đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết kiến nghị để nộp đơn. Nếu như cơ quan này từ chối việc giải quyết nội dung kiến nghị, khiếu nại của bạn thì bạn có thể đưa đơn lên trên như cấp quận huyện hoặc cấp tỉnh để được xem xét và giải quyết.
3.2 Thu thập đủ số lượng chữ ký
Việc thu thập đầy đủ chữ ký rất quan trọng vì làm cho nội dung kiến nghị của bạn có đủ căn cứ. Vì vậy nếu bạn đặt mục tiêu là 200 chữ ký thì bạn cần phải thu thập cho đủ số lượng. Bên cạnh đó, để việc xin chữ ký trở nên có ích thì công dân cần tìm hiểu và hướng dẫn cho mọi người ký đơn kiến nghị theo đúng chuẩn.
3.3 Xác định phương tiện thích hợp để kiến nghị
Hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, việc gửi đơn trực tiếp có lẽ chỉ phù hợp khi bạn muốn kiến nghị một vấn đề gì đó với đơn vị trực tiếp. Ngoài ra, cũng có thể gửi kiến nghị thông trung gian như phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, hãy lưu ý chọn những chính thống, uy tín để trình bày hoặc gửi đơn kiến nghị của mình, tránh bị các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
3.4 Nội dung phù hợp
Nội dung được trình bày trong đơn kiến nghị phải phù hợp với mục đích của người kiến nghị cũng như tuân theo các quy chuẩn về pháp luật và đạo đức. Đặc biệt, nội dung kiến nghị phải khách quan và tuyệt đối không vi phạm hay làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân hay tổ chức khác.
Câu văn phải được trình bày một cách ngắn gọn, xúc tích, mạch lạc, dễ hiểu và bao gồm việc đề cập đến những tổ chức, cá nhân cần kiến nghị; từ đó đưa ra những đề xuất phù hợp của bản thân người kiến nghị với vấn đề thực tế.
3.5 Mẫu đơn kiến nghị cần chuẩn
Khi viết đơn kiến nghị, người viết cần thực hiện tuân theo mẫu đơn chuẩn được đề ra. Theo đó hiện nay tuỳ theo nội dung kiến nghị của một tập thể hay một cá nhân mà mẫu đơn kiến nghị cũng khác nhau. Mẫu đơn kiến nghị tập thể sẽ yêu cầu nhiều thông tin hơn vì liên quan đến nhiều bên cũng như đại diện của các bên tham gia kiến nghị.
Nhưng về cơ bản thì người đứng ra làm đơn kiến nghị cần cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin như: họ và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, số Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại, số điện thoại liên hệ.
Để có được mẫu đơn kiến nghị chuẩn nhất, bạn đọc có thể tham khảo Mẫu đơn kiến nghị của LuatVietnam.
3.6 Theo dõi trình tự đơn kiến nghị được giải quyết
Do tính chất đặc thù và sự khác nhau của từng loại đơn kiến nghị nói trên, nên công dân không thể áp dụng theo đúng trình tự và thủ tục giải quyết như đối với các đơn khiếu nại, tố cáo.
Một khi đã xác định được vụ việc (nội dung) thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cá nhân hoặc cơ quan phải căn cứ vào nội dung và tính chất của từng vụ việc đó để có thể đưa ra các biện pháp giải quyết một cách phù hợp, chính xác và đúng pháp luật.
Bài viết trên đây đã chia sẻ những thông tin hữu ích để người đọc có thể hiểu được kiến nghị là gì và tham khảo để biết trình tự viết đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng liên quan có thẩm quyền.
Hy vọng bài viết đã mang đến bạn đọc những thông tin thú vị và bổ ích nhất. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.