Đa phần mọi người đều chỉ biết bản sao chứng thực từ bản chính mà không để ý một loại bản sao nữa là bản sao từ sổ gốc. Vậy giá trị pháp lý của 2 loại bản sao này như thế nào?
Bản sao chứng thực từ bản chính
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, bản sao y được hiểu là bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao đúng với bản chính.
Giấy tờ, văn bản được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính gồm:
1- Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;
2- Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực từ bản chính: Được sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Như vậy, bản sao chứng thực từ bản chính được dùng để đối chiếu thay cho bản chính trong các giao dịch. Không có quy định giới hạn về chủ thể có quyền yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính.
Giá trị pháp lý của bản sao chứng thực và bản sao từ sổ gốc (Ảnh minh họa)
Bản sao từ sổ gốc
Bản sao từ sổ gốc là bản sao do cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc (khoản 1 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Theo đó, bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nói cách khác, bản sao từ sổ gốc được dùng như bản chính.
Lưu ý, chỉ có 03 nhóm chủ thể sau mới có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc
1- Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính;
2- Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính;
3- Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.
Chứng thực bản sao từ bản chính ít phức tạp hơn so với việc cấp bản sao từ sổ gốc. Người chứng thực bản sao từ bản chính chỉ cần xuất trình bản chính giấy tờ và bản photo bản chính là có thể chứng thực được.
Còn cấp bản sao từ sổ gốc thì đòi hỏi phải có sổ gốc thì mới cấp bản sao được (có những trường hợp không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao).
>> 6 loại giấy tờ không được chứng thực bản sao từ bản chính
Hậu Nguyễn