Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông theo LDN 2020 có gì mới?

Luật Doanh nghiệp 2020 có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông. Đây là loại cổ đông quan trọng trong công ty cổ phần nhưng không phải ai cũng hiểu được đặc điểm, vị trí của họ.


Cổ đông phổ thông là gì?

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Cổ đông công ty cổ phần bao gồm:

- Cổ đông sáng lập;

- Cổ đông phổ thông;

- Cổ đông ưu đãi.

Trong đó, cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông (là loại cổ phần bắt buộc phải có trong công ty cổ phần). Một số đặc điểm chính của cổ đông phổ thông như sau:

- Cổ đông phổ thông có thể là cổ đông sáng lập bởi vì cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần phổ thông. Trường hợp này cổ đông phổ thông có thêm các quyền và nghĩa vụ như cổ đông sáng lập.

- Được tự do chuyển nhượng cổ phần trừ trường hợp chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập bị hạn chế trong 03 năm sau khi thành lập.

- Được nhận cổ tức theo mức giá trị được quyết định bởi Đại hội đồng cổ đông.


Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông từ 2021

1. Thêm trường hợp cổ đông sở hữu 5% cổ phần phổ thông có quyền và nghĩa vụ tương ứng

Loại cổ đông phổ thông

Luật Doanh nghiệp 2014

Luật Doanh nghiệp 2020

Đối với cổ đông sở hữu 5% tổng số cổ phần phổ thông

Không được quy định (chỉ được quy định cho cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng).

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có một số quyền như: Xem xét biên bản, nghị quyết, quyết định, báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị (HĐQT),.. thay vì ở mức từ 10% như trước (theo khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020).

Đối với cổ đông sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (theo khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014)

Vẫn giữ nguyên tỷ lệ cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông là 10% nhưng không cần sở hữu liên tục ít nhất trong 06 tháng mà vẫn có quyền để cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (theo khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020)

 

2. Có thể chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết

Luật Doanh nghiệp 2014 cấm cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

Từ 01/01/2021, theo nguyên tắc, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết vẫn không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Tuy nhiên, trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế thì vẫn được coi là hợp pháp (khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020).

quyen va nghia vu cua co dong pho thongQuyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông (Ảnh minh hoạ)
 

3. Bãi bỏ 01 trường hợp cổ đông phổ thông được triệu tập Đại hội đồng cổ đông

Căn cứ khoản 3 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:

"a) Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;

b) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty."

Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ trường hợp cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền triệu tập Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế.

4. Cổ đông phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin công ty

Khoản 5, 6 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm một số nghĩa vụ của cổ đông phổ thông như sau:

- Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Như vậy, từ 2021, quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông có 04 điểm mới đáng chú ý. Để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty nên sửa đổi, bổ sung Điều lệ đối với nội dung này.

Nếu có nhu cầu thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần nhanh chóng, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Cổ đông là gì? Phân biệt các loại cổ đông trong công ty cổ phần

>> Có phải sửa đổi Điều lệ công ty khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực?

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục