Dân sự là gì? Trong Bộ luật Dân sự có những nội dung gì?

Dân sự là gì? Nội dung trong Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm những gì? Tất cả sẽ được trình bày cụ thể và chi tiết bằng bài viết dưới đây.

1. Dân sự là gì?

1.1 Dân sự là gì?

Dân sự là một khái niệm thường được gọi của pháp luật dân sự. Trong đó, hiện không có văn bản nào định nghĩa dân sự là gì nhưng căn cứ Bộ luật Dân sự hiện hành, có thể hiểu dân sự hay pháp luật dân sự là quan hệ hoặc giao dịch được phát sinh giữa cá nhân, pháp nhân với nhau về tài sản, nhân thân, hôn nhân…

Trên thực tế, cụm từ dân sự thường được nhắc đến khi đề cập đến cụm từ, Luật Dân sự, Bộ luật Dân sự. Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự gồm:

- Bình đẳng giữa mọi cá nhân, pháp nhân, không bị phân biệt đối xử bởi bất kỳ lý do nào và được pháp luật bảo hộ về quyền nhân thân, tái sản giống nhau giữa các cá nhân, tổ chức.

- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự đều dựa trên sự tự do, tự nguyện, do các bên thoả thuận, cam kết. Tuy nhiên, những cam kết, thoả thuận này phải không được trái đạo đức xã hội, vi phạm điều cấm của luật. Khi đó, các bên sẽ phải thực hiện theo các thoả thuận này và những cá nhân, tổ chức khác phải tôn trọng thoả thuận của các bên.

- Bên cạnh ý chí tự do, tự nguyện, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải thực hiện một cách thiện chí, trung thực và không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

- Với việc thực hiện hay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự, cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm.

Dân sự là gì trong Bộ luật Dân sự hiện hành?
Dân sự là gì trong Bộ luật Dân sự hiện hành? (Ảnh minh hoạ)

1.2 Ví dụ về dân sự

Có thể lấy ví dụ về dân sự là gì như sau:

- Quan hệ tài sản: Việc thoả thuận mua bán tài sản, trong đó có ô tô, xe máy, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… là một trong những quan hệ tài sản và được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự cùng pháp luật chuyên ngành khác.

- Quan hệ nhân thân: Quyền thay đổi họ, tên; quyền chuyển đổi giới tính… là một trong những quyền cơ bản của con người, được quy định tại Bộ luật Dân sự…

1.3 Vi phạm dân sự là gì?

Là một khía cạnh khác của dân sự, có thể hiểu vi phạm dân sự là những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm các quan hệ dân sự khác, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

Trong đó, có thể kể đến một số hành vi vi phạm dân sự như sau: Vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự; vi phạm nghĩa vụ dân sự; vi phạm hợp đồng dân sự; vi phạm các quan hệ dân sự khác ngoài hợp đồng…

Các chế tài áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm dân sự thường là bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… Trong đó, bồi thường thiệt hại có thể về tài sản, về tinh thần, về thu nhập bị mất do hành vi vi phạm dân sự…

Tuy nhiên, trong bất cứ quan hệ dân sự nào, việc bồi thường thiệt hại cũng ưu tiên áp dụng thoả thuận giữa các bên. Chỉ khi các bên không có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác thì mới áp dụng các quy định khác trong bộ luật Dân sự.

Có thể kể đến một số ví dụ về vi phạm dân sự như:

Ví dụ 1: Bên A và bên B ký hợp đồng đặt cọc trong thời hạn 01 tháng để mua căn hộ chung cư tại địa chỉ C. Sau 01 tháng, hai bên phải thực hiện hợp đồng mua bán căn hộ chung cư này. Tuy nhiên, đến thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán mà bên nhận cọc không chịu ký hợp đồng mà còn đòi tăng tiền bán. Khi đó, căn cứ hợp đồng, bên A đã vi phạm nghĩa vụ dân sự và sẽ phải bồi thường thiệt hại theo thoả thuận trong hợp đồng.

Ví dụ 2: Bên A và bên B ký hợp đồng vay tiền. Trong hợp đồng nêu rõ, thời hạn vay là 02 tháng và đến hạn của 02 tháng sau thì bên B sẽ phải trả đủ tiền cho bên A nếu không sẽ phải trả lãi theo lãi suất ngân hàng nông nghiệp tại thời điểm áp dụng trả lãi.

1.4 Năng lực hành vi dân sự gồm những gì?

Năng lực hành vi dân sự là gì? Gồm những trạng thái nào được quy định cụ thể tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, đây là khả năng mà cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trong đó, năng lực hành vi dân sự gồm có 05 trạng thái như sau:

- Năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người thành niên (có tuổi từ đủ 18 trở lên) và không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức hoặc làm chủ hành vi (Điều 20 Bộ luật Dân sự).

Ví dụ: Ông A là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc các trường hợp bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự cũng như có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì có quyền tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác thông qua văn bản uỷ quyền để mua bán tài sản (ô tô, nhà, đất…).

- Mất năng lực hành vi dân sự: Là người bị tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình, được người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự căn cứ vào giám định pháp y tâm thần (Điều 22 Bộ luật Dân sự).

Ví dụ: Ông A bị tâm thần, đã có giám định pháp y tâm thần, vợ ông A yêu cầu Toà án tuyên bố ông A bị mất năng lực hành vi dân sự thì sau khi có quyết định tuyên bố ông A bị mất năng lực hành vi dân sự thì ông A được xác định là mất năng lực hành vi dân sự.

- Hạn chế năng lực hành vi dân sự: Đây là trạng thái mà Toà ra quyết định khi người đó do nghiện ma tuý hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản sau khi nhận được đề nghị của cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích liên quan (Điều 24 Bộ luật Dân sự).

Ví dụ: Ông A nghiện ma tuý, thường xuyên bán hết tài sản, đồ đạc trong nhà nên vợ của ông A là bà B đã yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố ông A là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong quyết định của mình, Toà án sẽ quyết định luôn người đại diện theo pháp luật cùng phạm vi đại diện của người đại diện với ông B.

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Là trạng thái của người bị Toà án ra quyết định tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi vì tình trạng thể chất/tinh thần khiến bản thân người đó không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức bị mất năng lực hành vi dân sự sau khi đã nhận được yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần (căn cứ Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ví dụ: Người bị mắc bệnh down, người bị tai nạn phải nằm điều trị lâu dài trong bệnh viện.

Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm 689 Điều, quy định những gì?
Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm 689 Điều, quy định những gì? (Ảnh minh hoạ)

2. Bộ luật Dân sự gồm những nội dung nào?

Dân sự thường được đề cập đến các quan hệ dân sự, được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự hiện nay đang có hiệu lực là Bộ luật Dân sự năm 2015. Vậy những nội dung chính của Bộ luật Dân sự là gì?

Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm 689 Điều, được chia thành 06 phần với 27 Chương với nội dung cơ bản sau đây:

- Phần thứ nhất từ Điều 1 đến Điều 157: Phần quy định chung. Phần này quy định về nguyên tắc cơ bản, phạm vi điều chỉnh, việc áp dụng Bộ luật Dân sự, tập quán, tương tự pháp luật cùng với các quyền và các nội dung cơ bản của cá nhân và pháp nhân. Trong đó, với cá nhân thì gồm:

  • Năng lực hành vi dân sự.
  • Quyền nhân thân (Quyền có họ tên, dân tộc, quốc tịch; được bảo đảm hình ảnh, an toàn tính mạng, sức khoẻ, thân thể, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; bảo vệ bí mật đời tư…)
  • Nơi cư trú của cá nhân, vợ chồng, người chưa thành niên…
  • Các quy định liên quan đến giám hộ: Điều kiện, trường hợp, quyền, nghĩa vụ của người giám hộ và người được giám hộ…
  • Các vấn đề xung quanh việc tuyên bố mất tích, tuyên bố chết, vắng mặt tại nơi cư trú.
  • Tài sản và giao dịch dân sự.

- Phần thứ hai: Từ Điều 158 - Điều 273, quy định về quyền tài sản: Quyền chiếm hữu, sở hữu, quyền khác với tài sản…

- Phần thứ ba từ Điều 274 - Điều 608 về nghĩa vụ hợp đồng và một số loại hợp đồng thông dụng cùng các nguyên tắc căn cứ xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng…

- Phần thứ tư Điều 609 - Điều 662 về thừa kế: Quy định chung về thừa kế theo pháp luật và theo di chúc…

- Phần thứ năm từ Điều 663 - Điều 687 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài với việc áp dụng pháp luật Việt Nam với người nước ngoài trong quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân.

- Phần thứ sáu gồm Điều 688 và Điều 689 về điều khoản thi hành.

3. Thủ tục tố tụng dân sự thực hiện thế nào?

Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thủ tục tố tụng dân sự gồm hai thủ tục là khởi kiện vụ án dân sự (tranh chấp dân sự) và yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự và được thực hiện theo thủ tục sau đây:

3.1 Hồ sơ cần nộp

Với từng hình thức khác nhau thì hồ sơ cần chuẩn bị cũng khác nhau. Trong đó:

- Khởi kiện (Điều 189): Nộp hồ sơ khởi kiện thì bắt buộc phải có đơn khởi kiện. Nộp kèm theo đơn khởi kiện là tài liệu, chứng cứ thể hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Ngoài ra, nếu có các giấy tờ, hồ sơ liên quan đến nội dung vụ kiện thì có thể nộp kèm để Toà án có đủ căn cứ giải quyết vụ án dân sự.

- Yêu cầu giải quyết việc dân sự (Điều 362): Bắt buộc phải có đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Tuỳ vào từng nội dung cụ thể của tranh chấp dân sự hoặc yêu cầu dân sự để xác định các loại giấy tờ, tài liệu liên quan.

Ví dụ: Thủ tục khởi kiện ly hôn đơn phương, kèm theo đơn khởi kiện ly hôn đơn phương, người yêu cầu ly hôn cần phải nộp kèm theo bằng chứng cho yêu cầu khởi kiện của mình: Bằng chứng về tình trạng bạo lực gia đình, về việc ngoại tình…

Đồng thời, nộp kèm theo đơn ly hôn đơn phương còn cần phải có các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu ly hôn: Giấy khai sinh của con (khi có tranh chấp giành quyền nuôi con), giấy tờ về tài sản (khi tranh chấp phân chia tài sản chung vợ chồng)…

3.2 Xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục tố tụng là Toà án các cấp. Tuỳ vào từng thủ tục cụ thể mà Toà án có thẩm quyền cũng sẽ khác nhau. Có thể kể đến một số ví dụ sau đây:

Căn cứ từ Điều 25 đến Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:

- Đơn phương ly hôn (khởi kiện vụ án dân sự): Toà án cấp huyện nơi bị đơn cư trú và làm việc.

- Thuận tình ly hôn (yêu cầu việc dân sự): Các bên có thể thoả thuận Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn hoặc của bị đơn giải quyết yêu cầu việc dân sự. Thoả thuận này phải thực hiện bằng văn bản.

3.3 Trình tự các bước thực hiện

Thông thường để thực hiện thủ tục tố tụng dân sự, các bên phải thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Bước 2: Phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn và đưa ra các quyết định: Thụ lý hoặc trả hồ sơ, đình chỉ yêu cầu giải quyết việc dân sự/khởi kiện vụ án dân sự.

Bước 3: Thụ lý vụ án hoặc thụ lý đơn yêu cầu.

  • Khởi kiện: Khi thụ lý vụ án, các công việc sẽ được thực hiện gồm: Hoà giải, lập hồ sơ, đưa vụ án ra xét xử.
  • Yêu cầu giải quyết việc dân sự: Nhận đơn yêu cầu, xử lý và xét đơn yêu cầu, mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

3.4 Án phí, lệ phí dân sự

Căn cứ danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, án phí, lệ phí dân sự được tính theo hai cách: Có giá ngạch và không có giá ngạch. Trong đó:

- Không có giá ngạch thì mức án phí sơ thẩm tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, lao động là 300.000 đồng; với tranh chấp kinh doanh thương mại là 03 triệu đồng; án phí phúc thẩm lần lượt là 300.000 đồng và 02 triệu đồng.

- Có giá ngạch: Căn cứ vào giá trị của tài sản để tính mức án phí cụ thể.

Xem chi tiết bảng tra án phí dân sự và tạm ứng án phí khi khởi kiệnmức thu lệ phí Tòa án

Trình tự, thủ tục giải quyết tố tụng dân sự là gì?
Trình tự, thủ tục giải quyết tố tụng dân sự là gì? (Ảnh minh hoạ) 

4. Tranh chấp dân sự được giải quyết như thế nào?

Tranh chấp dân sự là vấn đề thường gặp nhất trong cuộc sống hằng ngày. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà các bên trong quan hệ tranh chấp dân sự có thể lựa chọn một trong các phương thức để giải quyết: Thương lượng, hoà giải, gửi đơn khởi kiện đến Toà án hoặc Trọng tài thương mại.

- Thương lượng: Căn cứ Điều 317 Luật Thương mại năm 2005, thương lượng giữa các bên là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp, Theo đó, đây là hình thức các bên cùng nhau ngồi lại thoả thuận, thương lượng, tự dàn xếp những tranh chấp dân sự với nhau mà không cần có bên thứ ba can thiệp.

Thông thường, trong các vụ tranh chấp dân sự, đây là hình thức đầu tiên được các bên thực hiện. Nếu không tự thoả thuận, thương lượng được, các bên sẽ tìm đến phương thức giải quyết tranh chấp dân sự khác.

- Hoà giải: Hoà giải tại Toà án trong tố tụng dân sự thường là thủ tục bắt buộc trừ trường hợp các bên yêu cầu không thực hiện. Hoà giải sẽ được thực hiện bởi Hoà giải viên trước khi Toà án thụ lý vụ án dân án.

Trong đó, hoà giải viên sẽ hỗ trợ các bên thoả thuận với nhau, đóng vai trò “trung gian” điều hoà mối quan hệ tranh chấp giữa các bên.

- Khởi kiện tại Toà án: Đây là thủ tục được thực hiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và đã thể hiện ở mục trên.

- Trọng tài thương mại: Khi các bên tranh chấp có thoả thuận giải quyết tranh chấp dân sự thông qua trọng tài thương mại thì sẽ thực hiện qua hình thức này. Nếu các bên khởi kiện ra Toà án thì Toà án sẽ từ chối thụ lý trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được (Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010).

Trên đây là giải đáp chi tiết về: Dân sự là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Ủy quyền bằng lời nói có được không? Điều kiện có hiệu lực là gì?

Ủy quyền bằng lời nói có được không? Điều kiện có hiệu lực là gì?

Ủy quyền bằng lời nói có được không? Điều kiện có hiệu lực là gì?

Thông thường, khi thực hiện bất cứ một giao dịch nào, các bên sẽ lựa chọn việc ký kết hợp đồng để đảm bảo “giấy trắng mực đen” và một trong số đó là hợp đồng uỷ quyền. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, vậy nếu uỷ quyền bằng lời nói có được không?