Quyền dân sự là gì? Quyền dân sự bao gồm những quyền gì?

LuatVietnam sẽ giải đáp chi tiết về quyền dân sự gồm định nghĩa và quyền dân sự bao gồm những quyền gì tại bài viết dưới đây.


Quyền dân sự là gì?

Quyền dân sự là quyền của công dân hoặc pháp nhân (chủ thể) được pháp luật dân sự công nhận và bảo vệ. Hiện, Bộ luật Dân sự cùng các văn bản liên quan đều không định nghĩa về quyền dân sự là gì.

Mặc dù không định nghĩa quyền dân sự là gì nhưng Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành có quy định về việc công nhận, bảo vệ, tô trọng và bảo đảm quyền dân sự.

Theo đó, các quyền dân sự được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo theo Hiến pháp cũng như pháp luật. Và quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp vì lý do quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà phải bị hạn chế.

Do đó, với mỗi chủ thể khác nhau thì sẽ có quyền dân sự khác nhau, được thực hiện theo ý chí của chính mà nhưng không được trái với quy định của Luật.

Như vậy, dù là các chủ thể khác nhau, thực hiện quyền dân sự khác nhau thì các chủ thể vẫn sẽ được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi bị cá nhân, pháp nhân khác xâm phạm.

Mỗi cá nhân sẽ có quyền dân sự khác nhau
Mỗi cá nhân sẽ có quyền dân sự khác nhau (Ảnh minh họa)

Quyền dân sự bao gồm những quyền gì?

Hiện, không có quy định cụ thể về quyền dân sự gồm những quyền gì tuy nhiên căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể kể đến một số quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân như sau:

Cá nhân

Pháp nhân

- Quyền nhân thân: Quyền thay đổi họ, tên; xác định hoặc xác định lại dân tộc; khai sinh, khai tử; được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; được xác định lại giới tính…

- Quyền tài sản: Quyền sở hữu, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt…

- Quyền khác: Quyền có nơi cư trú, quyền được giám hộ và giám hộ; được đại diện, ủy quyền; quyền đòi bồi thường thiệt hại…

Quyền được thành lập, có tài sản, chấm dứt hoạt động, quyền có tên gọi, tài sản…

Như vậy, có thể thấy, quyền dân sự là tất cả những quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân… được bảo vệ và đảm bảo bởi pháp luật.

Theo đó, căn cứ được áp dụng để xác lập quyền dân sự nêu tại Điều 8 Bộ luật Dân sự hiện hành gồm các căn cứ sau đây:

- Hợp đồng. Quyền dân sự được thực hiện theo thỏa thuận của các bên, được ghi nhận bằng văn bản, lời nói hoặc phương thực điện tử (gọi chung là hợp đồng).

- Hành vi pháp lý đơn phương: Hành vi của một trong các bên ví dụ như giấy ủy quyền…

- Quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác mà luật quy định.

- Kết quả của sản xuất, kinh doanh, lao động hoặc hoạt động sáng tạo với đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.

- Việc chiếm hữu tài sản hoặc sử dụng tài sản, được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật.

- Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Khi đó, cá nhân, pháp nhân có quyền đòi bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật nếu không có thỏa thuận.

- Thực hiện các công việc mà không có ủy quyền.

- Căn cứ khác.

Đặc biệt, do quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm nên khi quyền dân sự bị xâm phạm thì cá nhân, phạm nhân có thể tự bảo vệ quyền dân sự của mình hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện công việc này thông qua các hình thức như:

- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; cải chính, xin lỗi một cách công khai;

- Buộc bồi thường thiệt hại hoặc phải thực hiện đúng theo nghĩa vụ đã cam kết từ trước…

Lưu ý: Khi tự bảo vệ quyền dân sự, cá nhân, pháp nhân cần phải thực hiện các biện pháp phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền này và đặc biệt không được trái với các nguyên tắc cơ bản của luật.

Trên đây là giải đáp chi tiết về quyền dân sự bao gồm những quyền gì. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục