10 điểm cần lưu ý tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khi khởi kiện

Các tranh chấp về dân sự sẽ được giải quyết theo thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trong đó đặc biệt chú trọng tới quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức. Dưới đây là tổng hợp 10 điểm cần lưu ý khi khởi kiện:

1. Tòa án phải giải quyết mọi yêu cầu khởi kiện

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Có thể thấy, bất cứ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có đủ năng lực hành vi dân sự cũng có quyền khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Khi khởi kiện, người khởi kiện phải nộp kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Nếu những tài liệu, chứng cứ này không đầy đủ thì người khởi kiện nộp những tài liệu, chứng cứ hiện có và bổ sung các chứng cứ còn thiếu theo yêu cầu của Tòa án. 

Như vậy, pháp luật không hạn chế quyền khởi kiện của các cá nhân, tổ chức. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự còn nhấn mạnh nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (theo khoản 2 Điều 4).

Dù Tòa án không được từ chối mọi yêu cầu khởi kiện nhưng không có nghĩa tòa bắt buộc phải thụ lý trong mọi trường hợp. Để yêu cầu khởi kiện được thụ lý cần phải đáp ứng 4 yêu cầu sau:

Thứ nhất, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

Thứ hai, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền của Tòa án;

Thứ ba, vụ án vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện;

Thứ tư, sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật

2. Thời hiệu khởi kiện có thể lên tới 30 năm

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, hết thời hạn đó thì mất quyền khởi kiện.

Theo đó, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự như sau:

Stt

Tranh chấp

Thời hiệu

1

Tranh chấp hợp đồng dân sự

03 năm

2

Yêu cầu bồi thường thiệt hại

03 năm

3

Thừa kế

Động sản

10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế

Bất động sản

30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế

4

Yêu cầu xác nhận, bãi bỏ quyền thừa kế

10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế

5

Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế


Như vậy, thời hiệu khởi kiện có thể lên tới 30 năm trong trường hợp người thừa kế yêu cầu chia di sản là bất động sản.


3. Cách viết đơn khởi kiện để không bị trả về

Nhắc tới khởi kiện thì không thể không nói tới đơn khởi kiện - văn bản có trong bất cứ hồ sơ khởi kiện nào. Khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khẳng định, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

2 tiêu chí cơ bản của đơn khởi kiện

- Về hình thức, đơn khởi kiện phải đúng mẫu, phải thể hiện thông tin của người khởi kiện, người bị kiện, người liên quan, tên Toà án giải quyết, danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện…

- Phải thể hiện rõ nội dung bị xâm phạm, vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Lưu ý khi viết đơn khởi kiện vụ án dân sự

- Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.

Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó ký tên hoặc điểm chỉ.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.

Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng.

Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

- Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.

Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức.

Xem chi tiết mẫu đơn khởi kiện và cách viết đơn tại đây để không bị trả đơn về yêu cầu sửa đổi, bổ sung.


4. Quy trình giải quyết vụ án dân sự

Để có thể dễ dàng hình dung quy trình giải quyết một vụ án dân sự thông thường, Quý khách tham khảo sơ đồ trình tự, thủ tục thụ lý vụ án dân sự dưới đây:

Quy trình giải quyết vụ án dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sựu 2015

Quy trình giải quyết vụ án dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Ảnh minh họa)



5. Đương sự trong vụ án dân sự - họ là ai?

Đương sự là từ ngữ quen thuộc mà ai cũng đã từng nghe qua nhưng không phải ai cũng biết đương sự là ai.

Đương sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 gồm: Đương sự trong vụ án dân sự và Đương sự trong việc dân sự. Bài viết này sẽ chỉ tập trung vào đương sự trong vụ án dân sự.

Theo đó, đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm 03 chủ thể:

- Nguyên đơn;

- Bị đơn;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

(theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người, cơ quan, tổ chức khởi kiện, để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Theo đó, nguyên đơn có 02 đặc điểm tiêu biểu là:

- Nguyên đơn là người khởi kiện hoặc người được người khác khởi kiện thay (thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án);

- Nguyên đơn là người cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. 

Ngược lại, bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm. Tức là bị đơn là người xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. 

Tuy nhiên, vụ án dân sự thường không chỉ có 2 bên nguyên đơn và bị đơn mà còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc được các đương sự khác đề nghị, được Tòa án chấp nhận đưa vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Lưu ý: Trường hợp vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng thì Tòa án phải đưa họ vào với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.


6. Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự

Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nêu rõ, người yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình hay phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người yêu cầu không phải chứng minh như người tiêu dùng khởi kiện người bán hàng, người lao động khởi kiện doanh nghiệp mà tài liệu, chứng cứ do doanh nghiệp giữ…

Bên cạnh đó, một số tình tiết, sự kiện khác người tham gia tố tụng cũng không phải chứng minh như đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực; được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp;…

(theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, đương sự có trách nhiệm bổ sung tài liệu, chứng cứ để chứng minh khi Tòa án có yêu cầu.


7. Khi nào áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Biện pháp khẩn cấp tạm thời, đúng như tên gọi của nó - “khẩn cấp” và “tạm thời”, được áp dụng để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản và chứng cứ, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án.

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, có tất cả 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có một số loại điển hình thường gặp như:

Kê biên tài sản đang tranh chấp

Biện pháp này được áp dụng khi có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.

Khi đó, tài sản được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án hoặc giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.

Cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

Tài sản đang tranh chấp có thể được chuyển dịch thông qua các hình thức mua bán, cầm cố, thế chấp, cho thuê… Nếu chuyển dịch sẽ gây khó khăn cho Tòa án khi giải quyết, đồng thời gây thiệt hại cho đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Do vậy, khi có căn cứ cho thấy người đang giữ tài sản tranh chấp có hành vi chuyển quyền tài sản cho người khác thì việc cấm thực hiện hành vi này là cần thiết.

Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ

Đây là biện pháp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mới được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được áp dụng khi có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Ảnh minh họa)


8. Án phí, lệ phí dân sự - nộp bao nhiêu là đủ?

Án phí dân sự

Đây là số tiền đương sự phải nộp khi vụ án dân sự được Tòa án giải quyết bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Các đương sự phải chịu mức án phí theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 trên cơ sở loại vụ việc, mức lợi ích và mức độ lỗi.

Án phí bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm:

- Với án phí sơ thẩm theo Điều 147 của Bộ luật:

Đương sự phải chịu án phí khi yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu. Riêng vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu.

Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì chỉ phải chịu 50% mức án phí.

- Với án phí phúc thẩm theo Điều 148 của Bộ luật:

Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm khi Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu.

Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm khi Tòa phúc thẩm sửa hoặc hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Xem chi tiết mức án phí tại đây.

Lệ phí dân sự

Đây là số tiền mà đương sự, người yêu cầu phải nộp khi yêu cầu Tòa án cấp giấy tờ hoặc giải quyết việc dân sự. Mức lệ phí dân sự hiện đang áp dụng như sau:

Stt

Tên lệ phí

Mức thu

I

Lệ phí giải quyết việc dân sự

1

Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động

300.000 đồng

2

Lệ phí phúc thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động

300.000 đồng

II

Lệ phí Tòa án khác

1

Lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của trọng tài nước ngoài

a

Lệ phí công nhận và cho thi hành

03 triệu đồng

b

Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án về việc công nhận và cho thi hành

300.000 đồng

2

Lệ phí giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp

a

Lệ phí yêu cầu Tòa án chỉ định, thay đổi trọng tài viên

300.000 đồng

b

Lệ phí yêu cầu Tòa án xem xét lại phán quyết của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài, về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài; đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc

500.000 đồng

c

Lệ phí yêu cầu Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến trọng tài; yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng

800.000 đồng

d

Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án liên quan đến trọng tài

500.000 đồng

3

Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1,5 triệu đồng

4

Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công

1,5 triệu đồng

5

Lệ phí bắt giữ tàu biển

08 triệu đồng

6

Lệ phí bắt giữ tàu bay

08 triệu đồng

7

Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam

01 triệu đồng

8

Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài

200.000 đồng

9

Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa

1.500 đồng/trang A4

(theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14)


9. Các loại bản án có hiệu lực thi hành ngay

Khoản 2 Điều 482 Bộ luật chỉ rõ 02 nhóm bản án, quyết định của Tòa sơ thẩm phải được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:

- Bản án, quyết định về cấp dưỡng; trả công, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, mất sức lao động, mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất tinh thần hay quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;

- Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Bên cạnh đó, một số quyết định khác cũng có hiệu lực thi hành ngay như quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 139); tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án (Điều 288 và Điều 289); công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (Điều 419).


10. Cản trở hoạt động tố tụng coi chừng bị ngồi tù

Một trong những trở ngại lớn ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án.

Các hành vi cản trở do chính người tham gia tố tụng thực hiện như không chấp hành theo giấy triệu tập; tự ý bỏ về giữa chừng; cố ý tẩu tán, hủy hoại tài liệu, chứng cứ; từ chối khai báo hoặc khai báo không đúng sự thật; mua chuộc, cưỡng ép người làm chứng để khai báo gian dối…

Việc cản trở không chỉ do những người tham gia tố tụng thực hiện nhằm giành lợi thế cho mình, mà ngay cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng thực hiện, gây khó khăn cho Tòa.

Đơn cử như việc không thực hiện, thực hiện không đúng việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng theo yêu cầu của Tòa án; gây rối trật tự; xâm phạm uy tín, sự tôn nghiêm của Tòa, danh dự, nhân phẩm của cán bộ…

Do đó, theo quy định, dù là ai thực hiện bất cứ hành vi nào cản trở hoạt động tổ tụng thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với 10 điểm cần lưu ý trên đây, LuatVietnam mong muốn giúp Quý khách có thể khởi kiện hay giải quyết vụ việc một cách suôn sẻ và đạt kết quả như ý.

Ngoài ra, để tìm hiểu các quy định liên quan trong lĩnh vực dân sự, mời Quý khách tham khảo thêm tại đây.

>> 
Những điểm đáng chú ý nhất của Bộ luật Dân sự 2015

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục