Từ ngày 20/3/2021, khi 04 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, xếp lương của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông chính thức có hiệu lực thì giáo viên đón nhận nhiều thay đổi lớn.
Giáo viên không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Căn cứ các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 (hiện đang có hiệu lực), Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS), tiểu học, mầm non phải có một trong các loại chứng chỉ ngoại ngữ sau đây:
- Chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp theo khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam như giáo viên THPT hạng I, THCS hạng I phải có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 03; giáo viên THPT hạng II, tiểu học hạng II phải có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 02…
- Chứng chỉ tiếng dân tộc với vị trí việc làm yêu cầu tiếng dân tộc.
Riêng với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trừ giáo viên mầm non, giáo viên THPT, THCS, tiểu học phải có chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai đáp ứng điều kiện quy định như giáo viên THPT hạng I yêu cầu đạt bậc 03, hạng II yêu cầu đạt bậc 02…
Tuy nhiên, với việc ban hành 04 Thông tư mới số 01, 02, 03, 04 thay thế các Thông tư liên tịch nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho thầy cô trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng thay vào đó là đề cập đến yêu cầu này trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
- Yêu cầu về ngoại ngữ là có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;
- Yêu cầu về tin học là có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tương ứng với hạng, cấp học.
Như vậy, có thể thấy, từ ngày 20/3/2021:
- Yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định bắt buộc phải đảm bảo bậc 01, bậc 02, bậc 03 theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam;
- Yêu cầu về trình độ tin học không còn bắt buộc phải đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
Tuy nhiên, việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đồng nghĩa sẽ “xem nhẹ” việc sử dụng ngoại ngữ, tin học của các thầy cô khi giảng dạy cho học sinh. Bởi thực tế cho thấy, yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học chỉ tạo ra nhiều bất cập trong việc học và thi chứng chỉ của các thầy cô.
Do đó, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp từ 20/3/2021 là một điều chỉnh hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tế của giáo viên các cấp trong công tác giảng dạy học sinh cũng như giảm chứng chỉ, bằng cấp “không cần thiết”.
Từ 20/3/2021, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học cho giáo viên (Ảnh minh họa)
Đồng loạt tăng lương cho giáo viên các cấp
Bên cạnh việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp, một trong những nội dung nổi bật khác của 04 Thông tư mới này là thay đổi về cách xếp lương theo hướng tăng lương cho giáo viên.
Cụ thể, các Thông tư này đã xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:
- Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38);
- Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98).
- Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).
Như vậy, ngoài giáo viên THPT thì giáo viên THCS, tiểu học, mầm non sắp tới đây đều được hưởng hệ số lương cao hơn hiện nay.
Giáo viên mầm non, tiểu học không còn hạng IV
Một trong những điểm mới đáng chú ý khác của 04 Thông tư này là thay đổi cách xếp hạng giáo viên mầm non và tiểu học.
Theo đó, giáo viên mầm non, tiểu học từ ngày 20/3/2021 sẽ không còn hạng IV. Đồng thời bổ sung thêm hạng I với các yêu cầu cao hơn về trình độ, chuyên môn... cho hai đối tượng này. Cụ thể:
1/ Giáo viên tiểu học hạng I yêu cầu:
- Bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;
- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.
Đồng thời, giáo viên tiểu học hạng IV đạt chuẩn thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III.
Nếu chưa đạt chuẩn thì giáo viên hạng IV vẫn được xếp lương theo viên chức loại B có hệ số lương từ 1,86 - 4,06 cho đến khi đạt chuẩn sẽ bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng nâng chuẩn trình độ.
2/ Giáo viên mầm non hạng I yêu cầu:
- Bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên;
- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I.
Đồng thời, giáo viên mầm non hạng IV nếu đạt chuẩn thì bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III; nếu không đạt chuẩn thì áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ 1,86 - 4,06 cho đến khi đạt trình độ chuẩn sẽ bổ nhiệm vào hạng III hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng nâng chuẩn trình độ.
Có thể thấy, việc quy định mới về các hạng chức danh nghề nghiệp này đã tạo nên sự phù hợp với yêu cầu về trình độ đào tạo, mức độ phức tạp của công việc cũng như thống nhất giữa tất cả các đối tượng giáo viên các cấp.
Trên đây là 03 thay đổi lớn từ 20/3/2021 ảnh hưởng đến mọi giáo viên từ cấp THPT, THCS, tiểu học đến mầm non trong đó có nội dung về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học cho giáo viên. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900 6192 để được tư vấn, giải đáp.
>> Quy định mới nhất về lương, phụ cấp mọi giáo viên cần biết