10+ điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 tại Nghị định 85/2023

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức. Dưới đây là tổng hợp toàn bộ điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 đáng chú ý nhất.

1. Thêm đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức

Quy định về các đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được bổ sung thêm:

Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2

Như vậy, từ 07/12/2023, sẽ có 04 đối tượng được cộng điểm ưu tiên vào kết quả điểm vòng 2 khi thi hoặc xét vào viên chức:

- Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Cộng 7,5 điểm.

- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội hoặc công an, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh…: Được cộng 05 điểm.

- Người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm.

10+ điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 cần nhớ
10+ điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 cần nhớ (Ảnh minh họa)

2. Thêm nhiều đối tượng không được làm thành viên Hội đồng tuyển dụng

Khi tuyển dụng viên chức, cơ quan có thẩm quyền phải thành lập Hồi đồng tuyển dụng. Trong đó, đối tượng không được làm thành viên hoặc thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng này đã được bổ sung thêm. Gồm:

- Người có quan hệ gồm: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ; cha, mẹ của vợ/chồng, cha mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ/chồng; vợ/chồng của anh, chị, em ruột của người dự tuyển.

Trong khi đó, quy định cũ chỉ gồm các mối quan hệ: Vợ/chồng, con đẻ, con nuôi, cha mẹ, anh chị em ruột của người dự tuyển hoặc của vợ/chồng người này

Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm cô, dì, chú, bác, cậu ruột; vợ/chồng của anh, chị, em ruột. Đồng thời nêu rõ cha mẹ là cha mẹ đẻ và cha mẹ chồng/vợ và cha mẹ nuôi.

- Những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật/thi hành quyết định kỷ luật (không có sự thay đổi).

- Những người đã bị xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (bổ sung mới).

3. Sửa đổi hình thức, nội dung và thời gian thi

3.1 Thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng

Đây là một trong những điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 đáng chú ý tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ tuyển dụng viên chức có quy định:

b) Số lượng người cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng. Các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng phải có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau, cùng Hội đồng thi, áp dụng hình thức thi viết (vòng 2) và chung đề thi;

Đồng thời, nếu thí sinh đăng ký 02 nguyện vọng nhưng không trúng nguyện vọng 1 thì được xét ở nguyện vọng 2 nếu vị trí ở nguyện vọng 2 vẫn còn chỉ tiêu sau khi đã xét hết nguyện vọng 1 gồm cả việc đã xét nguyện vọng của người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề.

Sau khi đã xét đủ 02 nguyện vọng mà vẫn còn chỉ tiêu thì dựa vào kết quả thi thì sẽ được chọn người có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển ở vị trí làm việc tịa đơn vị khác:

- Được người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định.

- Vị trí việc làm có cùng tiêu chuẩn, điều kiện với vị trí việc làm tại đơn vị còn chỉ tiêu tuyển dụng, cùng Hội đồng thi, cùng áp dụng hình thức thi (viết hoặc thi ở vòng 2) và chung đề thi.

- Đạt từ 50 điểm trở lên ở kết quả điểm thi tại vòng 2.

Lưu ý: Các vị trí việc làm được đăng ký 02 nguyện vọng là một trong những nội dung thông báo tuyển dụng nêu tại Phiếu đăng ký dự tuyển ban hành kèm Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

3.2 Thống nhất thi trắc nghiệm trên máy vi tính

Nếu như trước đây việc thi kiểm tra kiến thức chung tại vòng 1 được quy định là thi trắc nghiệm trên máy tính nhưng nếu chưa có điều kiện tổ chức thi trên máy tính thì có thể thực hiện thi vòng thi này trên giấy.

Tuy nhiên, từ 07/12/2023, theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, việc thi kiến thức chung phải thực hiện bằng trắc nghiệm trên máy tính và không có trường hợp ngoại lệ.

Điều này tức là, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính cho phần thi kiểm tra kiến thức chung ở vòng 1 tuyển dụng viên chức.

3.3 Bỏ thi tin học

Đây là một trong những điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023. Cụ thể, ở vòng thi thứ nhất các môn kiến thức chung, Chính phủ chỉ quy định gồm hai phần là kiến thức thức chung và thi ngoại ngữ.

Những quy định liên quan đến thi tin học trong Nghị định mới đã không còn. Có thể thấy, quy định này sẽ giúp cắt giảm cắt giảm thủ tục hành chính và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023: Chính thức không phải thi tin học
Tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023: Chính thức không phải thi tin học (Ảnh minh họa)

3.4 Sửa điều kiện xác định người trúng tuyển viên chức

Quy định về xác định người trúng tuyển khi có từ 02 người trở lên có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, khoản 5 Điều 1 Nghị định 85 năm 2023 căn cứ vào điểm thi phần thi kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn trong khi đó, tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP lại căn cứ vào điểm thi của vòng 2.

Ngoài ra, do Nghị định mới cho phép thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng nên tại đây cũng hướng dẫn việc xác định người trúng tuyển trong trường hợp có thí sinh đăng ký hai nguyện vọng. Cụ thể:

- Không trúng tuyển nguyện vọng 1:

  • Được xét nguyện vọng 2 nếu vị trí việc làm vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét hết nguyện vọng 1 trong đó có xét nguyện vọng của người có kết quả trúng thấp hơn liền kề.
  • Nếu có hai người bằng điểm nhau ở nguyện vọng hai trở lên thì xác định theo điểm phần thi kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn thì được chọn. Nếu vẫn không chọn được thì do người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định.

- Vẫn còn chỉ tiêu sau khi đã xét đủ hai nguyện vọng: Căn cứ kết quả thi có thể tuyển người có kết quả thấp hơn liền kề tại đơn vị khác nhưng có cùng tiêu chuẩn với tiêu chuẩn của vị trí việc làm tại đơn vị còn chỉ tiêu, cùng Hội đồng thi và cùng áp dụng hình thức thi (viết hoặc thi) ở vòng 2 và chung đề thi.

3.5 Thông qua kiểm định đầu vào, viên chức được miễn thi kiến thức chung

Nghị định 85 năm 2023 đã sửa đổi quy định về thi kiểm tra kiến thức chung tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 115 năm 2020 là bổ sung:

Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì được miễn thi Phần I.

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức được sử dụng trong 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Đồng thời, từ 01/8/2024, chỉ tuyển dụng công chức đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào.

Xem thêm: Kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Điều kiện, thủ tục thế nào?

4. Thêm trường hợp không phải thi ngoại ngữ

Theo quy định cũ, ngoài các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ thì các thí sinh khác đều phải thực hiện phần thi này. Tuy nhiên, đến Nghị định 85, Chính phủ quy định:

Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II.

Như vậy, theo quy định này, nếu vị trí việc làm nào không cần ngoại ngữ thì thí sinh sẽ không phải thi ngoại ngữ.

Nếu không có văn bằng, chứng chỉ thì được sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

Ngoài ra, với các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, Nghị định 85 cũng bổ sung thêm trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn chuẩn đầu ra về ngoại ngữ tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn của vị trí việc làm dự tuyển.

Đồng thời, quy định mới cũng liệt kê cụ thể các loại chuyên ngành ngoại ngữ yêu cầu có bằng tốt nghiệp gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm bằng hoặc cao hơn so với yêu cầu của vị trí việc làm.

5. Tốt nghiệp tiến sĩ được tiếp nhận vào viên chức

Đối tượng này được bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP. Cụ thể:

- Người nào tốt nghiệp tiến sĩ trở lên đang làm việc ở cơ quan có trụ sở/chi nhánh thành lập ở nước ngoài hoặc cơ quan nước ngoài có trụ sở/chi nhánh thành lập ở Việt Nam, có chuyên môn đào tạo phù hợp vị trí việc làm và có đủ 03 năm công tác trở lên làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp vị trí việc làm cần tuyển.

- Đối tượng đi học cử tuyển sau đó về làm việc tại địa phương cử đi học.

Ngoài ra, các trường hợp khác bao gồm:

- Cán bộ, công chức cấp xã vào công việc phù hợp với vị trí việc làm (quy định mới không yêu cầu có thời gian có đóng bảo hiểm xã hội).

- Người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức sau đó được chuyển công tác đến cơ quan khác nhưng vẫn làm công việc phù hợp vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.

(quy định cũ yêu cầu phải chuyển công tác đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% hoặc 50% vốn điều lệ hoặc có tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội…)

- Người tài năng, năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, nghề truyền thống phù hợp vị trí việc làm.

- Quy định mới không liệt kê các đối tượng có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học trở lên phù hợp yêu cầu vị trí việc làm và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như quy định cũ mà chỉ yêu cầu:

Người có đủ 05 năm công tác trở lên đang làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thành lập theo quy định của pháp luật.

Trong đó, thời gian 05 năm này được giải thích là thời gian thí sinh làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc dự kiến tiếp nhận, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và không tính thời gian thử việc. Và được cộng dồn nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Viên chức tập sự cần biết gì về Nghị định 85/2023/NĐ-CP?
Viên chức tập sự cần biết gì về Nghị định 85/2023/NĐ-CP? (Ảnh minh họa)

6. Quy định mới với viên chức tập sự từ 07/12/2023

6.1 Trường hợp không phải tập sự

Khoản 12 Điều 1 Nghị định 83 sửa đổi các trường hợp không phải tập sự nếu đáp ứng đủ điều kiện:

- Được bố trí làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo hoặc công việc trước đây đã làm.

- Thời gian làm công việc chuyên môn trước đây có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng. Nếu không có thời gian lớn hơn hoặc bằng thì sẽ trừ vào thời gian tập sự.

Đáng chú ý, theo quy định mới, những người này được hưởng 100% lương và phụ cấp (nếu có).

6.2 Thêm trường hợp người tập sự bị chấm dứt hợp đồng

Theo đó, điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 là bổ sung thêm trường hợp khác trong khi Nghị định 115 thì chỉ có 03 trường hợp. Như vậy, từ 07/12/2023, có 03 trường hợp người tập sự bị chấm dứt hợp đồng gồm:

- Không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự (như quy định cũ)

- Có hành vi vi phạm đạo đức và hoạt động nghề nghiệp đến mức phải xem xét kỷ luật (quy định cũ chỉ nêu chung chung có hành vi vi phạm).

- Trường hợp khác (mới được bổ sung).

7. Quy định mới về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Tiêu chí

Quy định cũ

Quy định mới

Điều kiện

- Xếp loại ở mức hoàn thành tốt nghiệp vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi/xét thăng hạng trở lên.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt.

- Không đang trong thời hạn kỷ luật, hoặc thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

- Có năng lực, trình độ nghiệp vụ để đảm nhiệm chức danh ở hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực.

- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác. Trong đó, nếu được miễn thi ngoại ngữ, tin học thì được coi là đáp ứng tiêu chuẩn vè ngoại ngữ, tin học.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian tối thiểu giữ chức danh hạng dưới liền kề. Nếu có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm giữ chức danh hạng dưới liền kề so với hạng thi/xét thăng hạng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.

- Xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt.

- Không đang trong thời hạn kỷ luật, hoặc thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

- Có năng lực, trình độ nghiệp vụ để đảm nhiệm chức danh ở hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực. Nếu các Bộ quản lý chưa ban hành nội dung, hình thức… thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mà được coi là đáp ứng tiêu chuẩn của hạng được xét.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian tối thiểu giữ chức danh hạng dưới liền kề:

  • Ngoài tiêu chuẩn trên, pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng II và hạn I gắn với yêu cầu vị trí việc làm tương ứng, đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ và quyền lợi viên chức.
  • Với viên chức hạng V và hạng IV được xét thăng hạng cao hơn liền kề nếu đang công tác ở vị trí việc làm phù hợp với chức danh được xét và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xét.
  • Nếu hạng chức danh đang xếp không còn thì được xét thăng lên hạng cao hơn liền kề với hạng đang giữ nếu đang công tác ở vị trí phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn.

Lưu ý: Không áp dụng quy định này nếu thay đổi mã số chức danh nghề nghiệp.

Hồ sơ

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh thi/xét thăng hạng.

- Có bằng tốt nghiệp chuyên môn chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học mà tương ứng yêu cầu chức danh nghề nghiệp thì được dùng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ.

- Viên chức được miễn ngoại ngữ, tin học thì được miễn hai loại chứng chỉ này.

- Phiếu lý lịch tư pháp.

- Văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu.

- Không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ nếu không thay đổi yêu cầu giữa hạng xét với hạng đang giữ.

- Các giấy tờ thuộc trường hợp miễn thi ngoại ngữ thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1.

Nội dung

Nêu trong Đề án tổ chức thi hoặc xét thăng hạng.

Đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định này đối với viên chức dự xét thăng hạng.

Hình thức

Thẩm định hồ sơ.

Thông báo kết quả

Chỉ quy định xác định viên chức trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng.

- Đáp ứng tiêu chuẩn khi được thăng hạng.

- Nếu có nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng được phê duyệt thì xác định kết quả trúng tuyển theo thứ tự:

Có thành tích cao đã được công nhận >> viên chức là nữ >> là người dân tộc thiểu số >> nhiều tuổi hơn >> Có thời gian công tác nhiều hơn

- Nếu không xác định được thì quyết định theo ý kiến của người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức

8. Chính thức bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, Điều luật này quy định điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đến Nghị định 85, Điều 32 đã bị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay vào đó chỉ quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đây được coi là thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc rà soát văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023 nêu trong Thông báo số 319/TB-VPCP.

Viên chức chỉ thăng hạng bằng hình thức xét từ 07/12/2023
Viên chức chỉ thăng hạng bằng hình thức xét từ 07/12/2023 (Ảnh minh họa)

9. Không giới hạn số lần bổ nhiệm lại viên chức giữ chức vụ quản lý

Một trong những điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023. Cụ thể: Khoản 23 Điều 1 Nghị định 85 nêu rõ: Không hạn chế số lần bổ nhiệm lại viên chức quản lý để giữ một chức vụ quản lý trừ trường hợp Đảng hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Trong đó, thời hạn giữ chức vụ quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định thời hạn dưới 05 năm.

Quy định cũ lại giới hạn viên chức chỉ được giữ chức vụ quản lý không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp theo pháp luật chuyên ngành. Trong đó, thời hạn giữ chức vụ cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Như vậy, theo quy định này, trừ Đảng hoặc pháp luật có quy định khác, các trường hợp còn lại, viên chức quản lý được bổ nhiệm lại không hạn chế số lần để giữ một chức vụ quản lý.

10. Thêm trường hợp viên chức bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm

10.1 Thôi giữ chức vụ

Theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, có 03 trường hợp được xem xét thôi giữ chức vụ gồm:

  • Do viên chức quản lý tự nguyện, chủ động xin.
  • Do viên chức quản lý không đủ sức khỏe, bị hạn chế về năng lực/không đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách.
  • Do viên chức quản lý có các lý do chính đáng không.

Trong khi đó, quy định mới đã bổ sung thêm trường hợp nên có tới 05 lý do viên chức quản lý được xem xét từ chức:

  • Do viên chức quản lý bị hạn chế năng lực/không còn đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao.
  • Do viên chức quản lý đó không có đủ sức khỏe hoặc vì lý do chính đáng khác.
  • Theo yêu cầu của nhiệm vụ.
  • Do viên chức đó làm cơ quan thuộc quản lý xảy ra sai phạm nghiệm trọng hoặc đơn vị thuộc quyền quản lý/cấp dưới trực tiếp tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
  • Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu.

10.2 Miễn nhiệm

Tương tự như trường hợp bị thôi giữ chức vụ, về các trường hợp miễn nhiệm, Nghị định 85 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ như sau:

- Bổ sung thêm trường hợp miễn nhiệm:

  • Bị kỷ luật cảnh cáo/khiển trách mà bị xác định năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
  • Bị khiển trách, cảnh cáo hai lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm (quy định cũ chỉ ấn định là 02 lần).
  • Có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp.
  • Bị kết luận suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều Đảng viên không được làm, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và cơ quan đang công tác.
  • Bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm (quy định cũ chỉ nêu vi phạm vi định của Đảng về chính trị nội bộ).
  • Là viên chức quản lý nhưng để đơn vị sự nghiệp công lập dưới quyền mình hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

- Giữ nguyên trường hợp: Có hai năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

- Bãi bỏ trường hợp bị kỷ luật nhưng chưa đến mức cách chức và do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế.

Khi cải cách tiền lương, lương viên chức sẽ thế nào?
Khi cải cách tiền lương, lương viên chức sẽ thế nào? (Ảnh minh họa)

11. Hướng dẫn tiền lương viên chức sau 01/7/2024

Nội dung này được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 85/2023/NĐ-CP. Theo đó, quy định này để chuẩn bị cho trường hợp từ 01/7/2024 tới đây sẽ thực hiện cải cách tiền lương cho viên chức nói riêng và các đối tượng cán bộ, công chức khác.

Cụ thể, nếu khi có chế độ tiền lương mới thì tiền lương viên chức sẽ thực hiện theo quy định và hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền.

Hiện nay, các thông tin cụ thể về việc cải cách tổng thể chế độ tiền lương mới chưa được ban hành. Thay vào đó, theo tinh thần của Nghị quyết 27, Bộ Chính tri đưa ra chủ trương là bảng lương mới sẽ được xây dựng bằng con số cụ thể thay cho hệ số và mức lương cơ sở hiện nay.

Trên đây là tổng hợp toàn bộ điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023. Nếu còn thắc mắc, độc giả gọi ngay đến 19006192 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.