Công an, bộ đội là cán bộ hay công chức?

Cán bộ, công chức là thuật ngữ chỉ các đối tượng làm việc trong cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, để phân biệt ai là cán bộ, ai là công chức không phải quá dễ dàng. Trong đó, khá nhiều người thắc mắc công an, bộ đội là cán bộ hay công chức?


Ai là cán bộ? Ai là công chức?

Cán bộ hiện đang được định nghĩa chi tiết tại khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008:

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Theo đó, một người được xác định là cán bộ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là công dân Việt Nam;

- Được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương, tỉnh, huyện;

- Trong biên chế;

- Hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019, công chức được xác định là:

- Công dân Việt Nam;

- Trong biên chế;

- Hưởng lương từ ngân sách Nhà nước;

- Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan:

  • Của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
  • Đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
  • Đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an.

Như vậy, để phân biệt cán bộ, công chức, điều dễ dàng nhận ra nhất sự khác nhau của hai đối tượng này là cách thức để trở thành cán bộ, công chức và nơi làm việc:

- Cán bộ được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong khi đó công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm;

- Công chức ngoài làm việc tại cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương, tỉnh, huyện như cán bộ thì còn làm trong đơn vị thuộc quân đội, công an nhưng không phải sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng hay hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an.

Xem thêm: Tiêu chí mới để phân biệt cán bộ, công chức, viên chức

cong an bo doi co phai la cong chuc khong

Công an bộ đội có phải là công chức không? (Ảnh minh họa)


Công an, bộ đội là cán bộ hay công chức?

Bộ đội có phải là công chức không?

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2008, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được định nghĩa là:

Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi chung là sĩ quan) là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp úy, cấp tá, cấp tướng.

Kết hợp với định nghĩa công chức đã đề cập ở trên, có thể thấy, trong Quân đội Việt Nam, các đối tượng là sĩ quan (những người được phong hàm cấp úy, cấp tá, cấp tướng) là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà không phải công chức.

Công an có phải là công chức không?

Theo Điều 2 Luật Công an nhân dân năm 2018:

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ là công dân Việt Nam được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ của Công an nhân dân, được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng, cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan.

Công nhân công an là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, được tuyển dụng vào làm việc trong Công an nhân dân mà không thuộc diện được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Đồng thời, theo khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019, công chức cấp xã gồm Trưởng Công an (áp dụng với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo Luật Công an nhân dân năm 2018).

Như vậy, có thể thấy, sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an không phải là công chức. Những đối tượng khác nếu trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc trong các đơn vị thuộc Công an nhân dân (đáp ứng các điều kiện nêu tại Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức 2019) và Trưởng Công an xã tại xã chưa có công an chính quy là công chức.

Trên đây là quy định về việc công an bộ đội có phải là công chức không? Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.

>> Phụ cấp thâm niên của quân đội, công an, giáo viên

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.