1. Thay đổi định nghĩa cán bộ, công chức
Định nghĩa cán bộ, công chức nêu tại Điều 1 dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã bãi bỏ những quy định liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã và thay đổi định nghĩa về cán bộ, công chức. Cụ thể như sau:
- Về định nghĩa cán bộ:
- Là công dân Việt Nam;
- Được bầu cử, bổ nhiệm, phê chuẩn giữ chức danh, chức vụ theo nhiệm kỳ;
- Làm việc ở các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cấp TW, cấp tỉnh, cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu);
- Trong biên chế, hưởng lương ngân sách Nhà nước.
- Về định nghĩa công chức:
- Là công dân Việt Nam;
- Được tuyển dụng theo vị trí việc làm;
- Làm việc ở cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội TW, cấp tỉnh, cấp cơ sở;
- Trong biên chế, hưởng lương ngân sách Nhà nước.
Như vậy, so với định nghĩa hiện tại Điều 4 Luật Căn bộ, công chức 2008, sửa đổi, bổ sung 2019 thì có một số thay đổi như sau:
- Không còn quy định cán bộ, công chức cấp xã. Thay vào đó, cán bộ, công chức cấp xã sẽ thuộc biên chế của tỉnh. Nếu đáp ứng điều kiện của vị trí việc làm thì được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng. Ngược lại sẽ được xem xét, quyết định tinh giản theo quy định tại thời điểm tinh giản.
- Không còn quy định đến cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thay vào đó, chỉ còn tại trung ương, cấp tỉnh và cơ sở.
- Không còn công chức là người làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an.

2. Quy định mới về vị trí việc làm
Nhiều quy định về vị trí việc làm được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được lấy ý kiến đóng góp. Cụ thể:
2.1 Có 2 phương án định nghĩa vị trí việc làm
Vị trí việc làm là căn cứ để tuyển dụng công chức cũng như đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Điều 11 dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang đưa ra hai phương án về khái niệm vị trí việc làm. Gồm:
Phương án 1: Vị trí việc làm là tên gọi xác định nhiệm vụ của công việc cụ thể gắn với chức danh chuyên môn nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị, là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ.
Phương án 2: Vị trí việc làm là tên gọi chức danh công chức chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, gắn với công việc và vị trí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền và kết quả, sản phẩm cụ thể.
Trong khi đó, hiện nay, khoản 3 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 đang định nghĩa vị trí việc làm như sau:
3. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy, nếu chọn một trong hai phương án thì định nghĩa vị trí việc làm đều bị thay đổi so với hiện hành. Về cơ bản, vị trí việc làm sẽ gắn với công việc, kết quả, sản phẩm cụ thể.
2.2 Vị trí việc làm được thành thành 4 loại
Ngoài sự thay đổi về định nghĩa, dự thảo còn bổ sung phân loại vị trí việc làm gồm: Vị trí việc làm cán bộ; lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ.
Và nguyên tắc xác định vị trí việc làm phải phù hợp tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp thực tiễn và thống nhất, đồng bộ trong tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý theo vị trí việc làm.
Trong khi đó, hiện nay, những nội dung về vị trí việc làm không được Luật hóa mà được quy định chi tiết tại Nghị định 62/2020/NĐ-CP với phân loại như sau:
- Phân theo khối lượng công việc: Vị trí việc làm gồm do một người đảm nhiệm; do nhiều người đảm nhiệm hoặc vị trí việc làm kiêm nhiệm.
- Phân theo tính chất, nội dung công việc: Vị trí việc làm bao gồm làm lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ chuyên ngành; hỗ trợ, phục vụ và làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung gồm tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác.
3. Thay đổi cách phân loại công chức
Theo đề xuất tại Điều 19 dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, công chức được phân theo 04 tiêu chí dưới đây:
- Theo cơ quan công tác: Công chức được phân thành công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và trong cơ quan Nhà nước.
- Theo phạm vi hoạt động: Công chức được phân thành công chức làm việc ở cơ quan Trung ương và địa phương.
- Theo vị trí việc làm: Công chức được phân thành làm công việc lãnh đạo, quản lý; làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ và làm công việc hỗ trợ, phục vụ.
Trong khi đó, theo khoản 4 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2019 đang quy định công chức được phân loại theo lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ và phân loại theo ngạch như sau:
- Loại A: Công chức được bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương
- Loại B: Công chức được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương
- Loại C: Công chức được bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc tương đương
- Loại D: Công chức được bổ nhiệm ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên
- Loại khác: Theo quy định của Chính phủ.
4. Bỏ quy định về ngạch công chức
Theo khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008, ngạch công chức là tên gọi thể hiện thứ bậc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của công chức. Đây cũng là căn cứ để xác định vị trí việc làm và biên chế cũng như bố trí công chức trong cơ quan, đơn vị.
Hiện công chức được phân loại theo ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên cùng ngạch khác.
Đồng thời, liên quan đến ngạch công chức, Luật này đã quy định các nội dung:
- Điều kiện bổ nhiệm vào ngạch công chức.
- Chuyển ngạch công chức.
- Nâng ngạch công chức.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ đã không còn đề cập đến ngạch công chức. Thay vào đó, việc phân loại, bổ nhiệm công chức được căn cứ vào vị trí việc làm tương ứng.

5. Sửa đổi quy định về hình thức kỷ luật công chức
So với 04 hình thức kỷ luật cán bộ là khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm và 06 hình thức kỷ luật công chức gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc tại Luật hiện hành thì dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã quy hoạch lại các hình thức kỷ luật.
Cụ thể, thay vì đưa hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm tại mục xử lý vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu thì dự thảo đã liệt kê đây là một trong những hình thức kỷ luật của cán bộ, công chức.
Theo đó, cán bộ, công chức khi vi phạm quy định thì tùy vào mức độ, tính chất vi phạm mà chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
- Khiển trách
- Cảnh cáo
- Cách chức
- Bãi nhiệm với cán bộ và buộc thôi việc với công chức
- Xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm.
Trên đây là tổng hợp điểm mới dự thảo Luật Cán bộ công chức sửa đổi đáng chú ý nhất.