Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Vậy người lao động được nhận BHTN ở đâu? Làm ở thành phố, về quê nhận BHTN được không?
Người lao động được tùy chọn nơi nhận BHTN
Nội dung này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP:
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, trong 03 tháng kể từ ngày bị mất việc làm mà chưa có việc, người lao động được đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại bất kì địa phương nào mà mình muốn nhận.
Như vậy, nếu làm việc tại thành phố, người lao động có thể về quê làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp gửi cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi mình cư trú để nhận trợ cấp.
Căn cứ Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 28/2015, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp ở quê, người lao động cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm
Thời hạn: Trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tới trung tâm dịch vụ việc làm tại quê của mình.
Bước 2: Đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên từ tổ chức bảo hiểm xã hội.
Bước 4: Hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.
Xem thêm: Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
Bảo hiểm thất nghiệp nhận ở quê được không? (Ảnh minh họa)
Đã đăng ký nhận BHTN ở thành phố, chuyển về quê có được hưởng không?
Theo Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động được quyền chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 22 Nghị định này:
- Đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp;
- Có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Do đó, trong trường hợp đã nộp hồ sơ hưởng BHTN ở thành phố mà chuyển về quê sống, người lao động vẫn được nhận trợ cấp sau khi đã nhận ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp ở thành phố và làm thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Để chuyển nơi hưởng BHTN về quê, người lao động thực hiện theo thủ tục sau:
Bước 1: Gửi Đơn đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp.
Bước 2: Nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm phải cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động gồm:
- Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
- Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có);
- Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bước 3: Nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến.
Bước 4: Nhận trợ cấp thất nghiệp và thẻ bảo hiểm y tế.
Căn cứ: Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP
Nói tóm lại, người lao động làm ở thành phố, về quê vẫn được nhận bảo hiểm thất nghiệp. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.