Tổng quan 12 Luật vừa được Quốc hội thông qua

Tổng quan 12 Luật vừa được Quốc hội thông qua

(LuatVietnam) Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, có 12 Luật mới đã được thông qua với nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều ưu đãi; Chuyển cơ chế từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi; Cho phép tự nguyện đăng ký xếp hạng sao khách sạn; Người bị thiệt hại được Nhà nước tạm ứng tiền bồi thường; Biết thân chủ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, luật sư phải tố giác; Những trường hợp chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng…

 Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều ưu đãi

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Luật này quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường áp dụng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.

Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có thể được hỗ trợ giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thời gian hỗ trợ tối đa 05 năm, từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng. Việc hỗ trợ này không áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài, vốn Nhà nước. Về phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách Nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động.

Nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn lệ phí môn bài trong 03 năm đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn…

Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Nội dung này được nêu tại Luật Quản lý Ngoại thương, số 05/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2017.

Theo đó, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Luật quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam; tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

Kinh doanh vận tải đường sắt là ngành, nghề ưu đãi đầu tư

Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 của Quốc hội ngày 16/06/2017 quy định kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt là các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có các hoạt động nêu trên sẽ được hưởng các ưu đãi như: Được giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; Miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt.

Tổ chức, cá nhân còn được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt; được dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và hệ thống cung cấp điện sức kéo phục vụ chạy tàu.

Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ

Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2017 với nhiều nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình và thực hiện nội dung chi khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

Doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ và tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ được hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng và các hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định pháp luật.

Luật cũng quy định cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ có thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;… được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Chuyển cơ chế từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi

Theo Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 , phí thủy lợi chuyển sang cơ chế giá; Nhà nước sẽ định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, chi phí khấu hao, chi phí thực tế hợp lý khác và lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường. Trong từng thời kỳ, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi phí khấu hao đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn Nhà nước. Khi có các yếu tố hình thành giá thay đổi, giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phải được kịp thời điều chỉnh.

Luật cũng chỉ rõ, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng; Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi.

Đối với chủ thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng phù hợp với từng lĩnh vực, nhóm đối tượng sử dụng. Căn cứ khả năng ngân sách trong từng thời kỳ, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

Luật này được thông qua ngày 19/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Cho phép tự nguyện đăng ký xếp hạng sao khách sạn

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Luật Du lịch số 09/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Cụ thể, Luật cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; các hạng bao gồm: 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao. 

Tổng cục Du lịch có thẩm quyền thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 và 05 sao; Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch các hạng sao còn lại.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được công nhận hạng. Khi đã được công nhận hạng, tổ chức, cá nhân phải treo biển công nhận hạng và quảng cáo đúng với loại, hạng đã được công nhận; Duy trì chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo đúng loại, hạng đã được công nhận.

Về hướng dẫn viên du lịch, Luật quy định hướng dẫn viên du lịch chỉ được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên du lịch; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Trong đó, thẻ hướng dẫn viên có thời hạn 05 năm.

Người bị thiệt hại được Nhà nước tạm ứng tiền bồi thường

Nội dung trên được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20/06/2017, có hiệu lực ngày 01/07/2018.

Cụ thể, theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại sau: Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc,…; Thiệt hại khác có thể tính được ngay mà không cần xác minh. Người bị thiệt hại được tạm ứng kinh phí bồi thường với mức không dưới 50% giá trị các thiệt hại.

Cũng theo Luật này, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và gây thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.

14 đối tượng được trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 đã được Quốc hội thông ngày 20/06/2017 quy định cụ thể về 14 đối tượng được trợ giúp pháp lý, thay vì chỉ có 04 đối tượng như quy định cũ.

Các đối tượng này bao gồm: Người có công với Cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ nghèo; Người thuộc các trường hợp sau có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án dân sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người; Người nhiễm HIV.

Các đối tượng nêu trên được trợ giúp pháp lý không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; Được yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, không được yêu cầu tổ chức trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.

Ngoài ra, Luật này cũng yêu cầu trợ giúp viên pháp lý phải đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý. Trong khi trước đây, trợ giúp viên pháp lý chỉ cần có bằng cử nhân luật; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và có thời gian làm công tác pháp luật từ 02 trở lên.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Biết thân chủ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, luật sư phải tố giác 

Nội dung trên được nêu tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 20/06/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Cụ thể, Luật này quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa. Tương tự, người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp được đưa vào Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, bị phạt tiền từ 500 triệu đồng - 05 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Đồng thời, Luật có nhiều điều chỉnh về khung hình phạt đối với một số tội. Điển hình như, với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hành vi phạm tội 02 lần trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ 02 năm đến 06 năm thay vì chỉ bị cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm như quy định cũ. Với Tội tổ chức đua xe trái phép, người có hành vi tổ chức đua xe trái phép cho từ 10 xe tham gia trở lên hoặc tổ chức cùng lúc 02 cuộc đua xe trở lên; Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư… bị phạt tù từ 04 năm - 10 năm, thay vì từ 03 năm - 07 năm như trước đây.

Những trường hợp chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng

Đây là nội dung đáng chú ý của Luật Cảnh vệ, số 13/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20/06/2017.

Theo đó, Luật quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ; Các trường hợp khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Cũng theo Luật này, trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện và người đang điều khiển phương tiện đó, trừ khi phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự; Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ huy động người, phương tiện có trách nhiệm hoàn trả phương tiện ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Nếu người được huy động làm nhiệm vụ bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện được huy động bị mất mát, hư hỏng thì cơ quan có cán bộ, chiến sĩ huy động phải đền bù.

Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

6 trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20/06/2017 đã có những quy định cụ thể về các trường hợp được nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. 

Theo đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong 06 trường hợp: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin; Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ; Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ; Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong các trường hợp: Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; Được nổ súng vào phương tiện giao thông, trừ phương tiện cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó để cố tình chạy trốn hoặc tấn công, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Không được sử dụng tài sản công vào việc riêng

Ngày 21/06/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, số 15/2017/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Luật quy định không được cho mượn, sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước có thể cho cơ quan Nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng chung hội trường, phương tiện vận tải theo đúng công năng của tài sản và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản. Đồng thời, cơ quan Nhà nước cũng được sử dụng nhà ở công vụ, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và tài sản công khác để khai thác theo quy định; việc quản lý, sử dụng số tiền thu được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Luật này, cơ quan Nhà nước được thuê tài sản phục vụ hoạt động khi chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức và trong các trường hợp: Nhà nước không có tài sản để giao; Sử dụng tài sản trong thời gian ngắn hoặc sử dụng không thường xuyên; Việc thuê tài sản hiệu quả hơn so với việc đầu tư xây dựng, mua sắm.

Tài sản công sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: Trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng; Được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế; Tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; Tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng…

Quý khách hàng có thể xem Danh sách 12 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại đây.

 

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Sửa đổi thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập từ 01/5/2024

Sửa đổi thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập từ 01/5/2024

Sửa đổi thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập từ 01/5/2024

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 23/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định 195/2013/NĐ-CP.

Các quy chuẩn về môi trường dự kiến ban hành từ 2024 - 2026

Các quy chuẩn về môi trường dự kiến ban hành từ 2024 - 2026

Các quy chuẩn về môi trường dự kiến ban hành từ 2024 - 2026

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 1075/QĐ-BTNMT ngày 22/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 109/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

10 bánh heroin = Tử hình?

10 bánh heroin = Tử hình?

10 bánh heroin = Tử hình?

(LuatVietnam.vn) Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép heroin có trọng lượng từ 100g trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.