Đưa Tội vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp vào Bộ luật Hình sự

Từ tháng 1/2018, vi phạm các quy định về kinh doanh đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tiền đến 5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 01-05 năm.

Cụm từ “Kinh doanh đa cấp” hay “Bán hàng đa cấp” không còn mấy xa lạ tại Việt Nam. Đây thực chất là một phương thức marketing sản phẩm kinh doanh/bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty hoặc qua một nhà phân phối duy nhất mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Ở Việt Nam, kinh doanh đa cấp đang phát triển mạnh với hơn 1 triệu người tham gia.

Kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ đem lại hiệu quả cao cho cả người bán và người mua. Tuy nhiên thực tế cho thấy, kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng khá phức tạp. Bằng những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý hám lợi của người dân, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, một số đối tượng đã biến tướng phương thức kinh doanh đa cấp để trục lợi, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Mô hình kinh doanh này còn được gọi là “Hình tháp ảo”. Theo đó, lợi nhuận chủ yếu đến từ việc tuyển mộ thành viên mới, việc bán sản phẩm không quan trọng, hoa hồng phụ thuộc vào việc bạn ở vị trí nào trên hình tháp. Cụ thể, càng mời được nhiều người vào hệ thống, cấp càng cao, càng có lợi nhuận lớn.

Đối tượng mà các công ty kinh doanh đa cấp trá hình thường nhắm tới là nông dân, công nhân, sinh viên, những người không có nhiều khả năng về kinh tế... Các sản phẩm trong kinh doanh đa cấp khá đa dạng nhưng phổ biến nhất là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ gia dụng, trò chơi điện tử…

Trong thời gian qua, hàng loạt công ty, hệ thống kinh doanh đa cấp biến tướng đã được lực lượng chức năng phát hiện. Gần đây nhất là vụ việc của công ty kinh doanh đa cấp Liên Kết Việt. Bằng thủ đoạn làm giả bằng khen của Thủ tướng, mời tướng tá trong quân đội nghỉ hưu tham gia sự kiện để tạo lòng tin, mạo danh doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, vẽ ra hàng loạt chương trình khuyến mại, trả thưởng giá trị lớn… chỉ trong vòng hơn 1 năm hoạt động, Công ty Liên Kết Việt đã lừa đảo hàng chục nghìn người với số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Một trường hợp kinh doanh đa cấp khác có thể kể đến là Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo. Theo đó, bằng hình thức huy động vốn, trả lãi cao và các ưu đãi cao hàng tháng, ràng buộc những người góp vốn lôi kéo thêm người tham gia, công ty này đã lừa của các nạn nhân số tiền ban đầu được xác định lên đến hơn 100 tỷ đồng.

(Hình minh họa)

Trước mức độ ảnh hưởng và tác động của kinh doanh đa cấp đối với xã hội, Quốc hội khóa XIV đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, Điều 217a Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội quy định về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp như sau: Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản), thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên; Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Kinh doanh đa cấp về bản chất không phải là xấu. Tuy nhiên, một số đối tượng lại lợi dụng phương thức này để chiếm đoạt tài sản của người khác. Điều 217a được bổ sung vào Bộ luật Hình sự sẽ giải quyết và hạn chế phần nào hậu quả mà hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng gây ra, đồng thời là biện pháp răn đe các hành vi phạm tội trong tương lai.

Để tìm hiểu thêm về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, bạn đọc có thể tham khảo văn bản sau:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội, số 12/2017/QH14

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Chính phủ ban hành.

10 bánh heroin = Tử hình?

10 bánh heroin = Tử hình?

10 bánh heroin = Tử hình?

(LuatVietnam.vn) Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép heroin có trọng lượng từ 100g trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.