Tổng quan 8 Luật vừa được Quốc hội thông qua

Kết thúc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 08 Luật cùng 17 Nghị quyết với rất nhiều quy định mới đáng chú ý. Sau đây là nội dung tổng quan 08 Luật vừa được Quốc hội thông qua.

08 Luật được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ 5 bao gồm:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh

Trong 08 Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đạt tỷ lệ đồng thuận cao nhất lên đến 95,14% đại biểu tán thành.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật này là việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày có giá trị một lần hoặc nhiều lần giúp thu hút khách du lịch và doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam.

Luật mới cũng nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực (như Liên bang Nga, Nhật Bản, Anh, Thụy Điển…) và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Luật cũng bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú. Theo đó, cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú.

Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài được thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú trong thời hạn 12 giờ (hoặc trong 24 giờ đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa).

Tổng quan 8 Luật vừa được Quốc hội thông qua: Vài nét Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi
Tổng quan 8 Luật vừa được Quốc hội thông qua: Vài nét Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi (Ảnh minh họa)

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Chiều 22/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân với 83,6% tổng số đại biểu tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Một trong những điểm mới nổi bật của lần sửa đổi này là quy định liên quan đến hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an, tăng thêm 02 tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan trong công an. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi. Cụ thể:

Hạ sĩ quan có tuổi phục vụ cao nhất là 47 tuổi; Cấp úy có tuổi phục vụ cao nhất là 55 tuổi; Thiếu tá, Trung tá có tuổi phục vụ cao nhất là 57 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ; Thượng tá có tuổi phục vụ cao nhất là 60 tuổi đối với nam và 58 tuổi đối với nữ; Đại tá có tuổi phục vụ cao nhất là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ; Cấp tướng có tuổi phục vụ cao nhất là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu mà sĩ quan công an nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ nhưng không quá 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Trường hợp đặc biệt, sĩ quan còn có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 tuổi đối với nam và hơn 60 tuổi đối với nữ nếu có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Về số lượng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, Luật sửa đổi ghi nhận Thượng tướng không quá 07, bao gồm: Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng không quá 06) và sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; còn số lượng Thiếu tướng không quá 162.

>> Gọi ngay tổng đài 19006192 để được giải đáp thắc mắc liên quan đến Luật Công an nhân dân.


3. Luật Đấu thầu năm 2023

Với 460/474 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 93,12%), Luật Đấu thầu năm 2023 đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2023.

Luật mới gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật mới đã có nhiều sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu.

- Về đối tượng áp dụng: Luật Đấu thầu bổ sung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Bổ sung thêm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

- Về chào hàng cạnh tranh, Luật mới bổ sung quy định áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp đáp ứng điều kiện; quy định về hình thức chào cạnh tranh đã cho phép áp dụng rộng rãi với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp...


4. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành là 93,72%. Luật này gồm 07 Chương và 80 Điều, sẽ thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 kể từ ngày 01/7/2024 với nhiều điểm mới đáng chú ý như:

- Bổ sung tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đó là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (tổ chức xã hộ).

- Quy định rõ hơn về quyền lợi của người tiêu dùng: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch;.…

- Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Luật sửa đổi đã khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị dưới 100 triệu đồng cũng được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tổng quan Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
Tổng quan Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Ảnh minh họa)

5. Luật Hợp tác xã năm 2023

Sáng 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã năm 2023 với đa số đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 93,44%).

Luật Hợp tác xã mới thông qua gồm 12 Chương và 115 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 với những điểm mới đáng chú ý như:

- Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 03 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập (trước đây quy định là từ 04 hợp tác xã thành viên).

- Về góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

  • Phần vốn góp của thành viên chính thức được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Luật này và Điều lệ. Vốn góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ (hợp tác xã) và không quá 40% vốn điều lệ (liên hiệp hợp tác xã).
  • Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo Điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo Luật Hợp tác xã năm 2012 kể từ ngày 01/9/2023. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 01/9/2023 thì các bên tiếp tục thực hiện nhưng không được gia hạn hợp đồng.

Cũng từ ngày 01/9/2023, hợp tác xã đã thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần và doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của hợp tác xã đó không được tăng tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.


6. Luật Giá năm 2023

Với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá 2023 gồm 8 Chương, 75 Điều với nhiều điểm mới khắc phục hạn chế bất cập của luật hiện hành, sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Luật mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh với việc bổ sung cơ sở dữ liệu về giá. Bổ sung quy định về khái niệm bình ổn giá, chứng thư thẩm định giá. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được bổ sung thêm mặt hàng thức ăn chăn nuôi, đồng thời đưa các mặt hàng điện, muối ăn và đường ăn ra khỏi danh mục bình ổn giá.

Luật Giá năm 2023 cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như:

- Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thị trường.

- Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán không phù hợp với biến động của thị trường nhằm trục lợi.

- Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…

Luật mới cũng ghi nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh như:

- Đề xuất với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá...

- Đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định.


7. Luật Phòng thủ dân sự năm 2023

Với tỉ lệ tán thành cao (94,95%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Đây là một Luật hoàn toàn mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phòng, chống, ứng phó thiên tai, thảm họa, sự cố, ngày càng hiệu quả hơn.

Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024 với 07 Chương và 55 Điều quy định về nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.

Luật Phòng thủ dân sự xác định rõ nguyên tắc hoạt động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đặc biệt nghiêm cấm hành vi liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự như:

- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan, hoặc người có thẩm quyền;

- Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện cho phép;

- Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản và nền kinh tế quốc dân.

- Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm hoạ,…

Tổng quan Luật Phòng thủ dân sự
Tổng quan Luật Phòng thủ dân sự (Ảnh minh họa)

8. Luật Giao dịch điện tử năm 2023

Đạt tỷ lệ đồng thuận lên tới 94,74%, Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2023, thay thế cho Luật Giao dịch điện tử năm 2005 kể từ ngày 01/7/2024.

Việc thông qua Luật Giao dịch điện tử năm 2023 sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 gồm 07 Chương và 54 Điều có một số điểm mới so với luật hiện hành như:

- Về phạm vi điều chỉnh, Luật mới chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực mà điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành.

- Luật Giao dịch điện tử 2023 chỉ rõ Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

- Về chữ ký điện tử: Chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu. Các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn,… không phải là chữ ký điện tử.

Trên đây là nội dung tổng quan 8 Luật vừa được Quốc hội thông qua. Nếu có vướng mắc đến quy định nào của Luật mới, bạn đọc liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục