Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 05/2017

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Được vay tín dụng đầu tư đến 70% tổng vốn đầu tư của dự án; Thu giá dịch vụ đường bộ bằng hình thức tự động không dừng; Bỏ thi tốt nghiệp với đại học hệ tại chức; Thay đổi điều kiện dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ; Xả thải không phép vào nguồn nước, phạt đến 250 triệu; Phát tờ rơi bị phạt đến 500.000 đồng… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 05/2017.



Các trường hợp miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết

Theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/05/2017, người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai.

Cũng theo Nghị định này, người nộp thuế sẽ được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết khi chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ theo quy định.

Đặc biệt, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng và người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu từ 5% với phân phối, từ 10% với sản xuất và từ 15% trở lên với gia công.

Chỉ xạ trị, hóa trị ban ngày với bệnh nhân cư trú tại địa phương

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 01/2017/TT-BYT ngày 06/03/2017 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 01/05/2017.

Cụ thể, việc chỉ định cho người bệnh được điều trị xạ trị, hóa trị và hóa - xạ trị ban ngày do bác sĩ điều trị quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý của người bệnh và chỉ áp dụng đối với bệnh nhân cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động. Trường hợp bệnh nhân không cư trú trên địa bàn, việc điều trị ban ngày chỉ được áp dụng đối với bệnh nhân tự nguyện xin điều trị, không áp dụng đối với bệnh nhân nghèo và cận nghèo.

Cũng từ ngày 01/05/2017, thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện hóa trị, xạ trị phải tổ chức phân luồng người bệnh, giường bệnh điều trị nội trú 24/24 giờ và điều trị nội trú ban ngày riêng; đảm bảo không ghép chung người bệnh điều trị nội trú ban ngày với người bệnh nội trú 24/24 giờ.

Camera xử phạt VPHC phải hiển thị ngày, giờ, địa điểm ghi hình

Ngày 28/02/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 06/2017/TT-BGTVT quy định thiết bị ghi hình làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính (VPHC) và xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi chụp ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình.

Tương tự, thiết bị ghi hình ảnh động (camera) khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip. Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải ghi rõ địa điểm ghi hình.

Với thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe, Thông tư quy định, phải được kiểm định theo quy định của pháp luật; bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong suốt quá trình sử dụng và giữa 02 kỳ kiểm định, hiệu chuẩn; phải được kết nối với phần mềm giám sát, quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017.

Giáo viên dạy nghề trình độ cao đẳng phải có thời gian giảng dạy từ 1 năm

Theo Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/03/2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhà giáo dạy nghề trình độ cao đẳng phải có thời gian tham gia giảng dạy ít nhất 12 tháng; có chứng chỉ sư phạm dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng hoặc bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng hoặc tương đương.

Ngoài các tiêu chí trên, nhà giáo dạy nghề trình độ cao đẳng còn phải đáp ứng một số tiêu chí khác như: Có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 hoặc chứng nhận bậc thợ 5/7, 4/6 trở lên hoặc chứng nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc tương đương (với nhà giáo dạy thực hành); Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) trở lên…

Đối với nhà giáo dạy nghề trình độ trung cấp, phải có thời gian tham gia giảng dạy ít nhất 12 tháng; có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoặc đại học sư phạm chuyên ngành trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy (nếu dạy lý thuyết); có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy để dạy thực hành trình độ trung cấp như chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2 hoặc chứng nhận bậc thợ 4/7, 3/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc tương đương (với nhà giáo dạy thực hành)…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017.

Bỏ thi tốt nghiệp với ĐH hệ tại chức

Từ ngày 01/05/2017, chính thức bỏ thi tốt nghiệp với đại học hệ vừa học, vừa làm; điều kiện xét tốt nghiệp sẽ được thực hiện theo quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành là nội dung nổi bật tại Quyết định 06/2017/TT-BGDĐT ngày 15/03/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo Quyết định này, việc đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm được tổ chức và quản lý theo tín chỉ; người học có thể học và thi để tích lũy một số tín chỉ cùng với hệ đào tạo chính quy. Đặc biệt, người học không đủ điều kiện tốt nghiệp, không bị kỷ luật buộc thôi học, nếu có yêu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận các học phần đã hoàn thành trong chương trình đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017.

Điều kiện liên kết đào tạo trình độ đại học

Ngày 15/03/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học; trong đó, đáng chú ý là quy định về điều kiện thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học.

Cụ thể, để được thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tuyển sinh tối thiểu 02 khoá đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo; đã công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sau 12 tháng đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo của khoá tốt nghiệp gần nhất; không vi phạm các quy định về xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và các quy định khác có liên quan trong thời hạn 03 năm tính đến ngày thực hiện liên kết đào tạo…

Đối với cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo và cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo, phải có diện tích sàn xây dựng tối thiểu 2m2/sinh viên trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo... Đặc biệt, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo chỉ được tham gia giảng dạy tối đa 30% nội dung chương trình đào tạo nếu cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo có yêu cầu, đồng thời phải bố trí cho giảng viên tham gia giảng dạy sinh hoạt chuyên môn với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017.

Phát tờ rơi có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Từ ngày 05/05/2017, cá nhân có hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội, mức phạt dao động từ 5 - 10 triệu đồng; mức phạt tiền này cũng được áp dụng với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Cũng từ ngày 05/05/2017, quảng cáo trực tiếp trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới mà không thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng; phạt từ 3 - 5 triệu đồng với hành vi kinh doanh dịch vụ hàng quán, khách sạn, bến bãi lấn chiếm, cản trở giao thông khu vực lễ hội; sửa, ghép ảnh nhằm vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự của cá nhân bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đặc biệt, nhân bản phim; bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc đã bị thu hồi, cấm phổ biến sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng…

Trên đây là những nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 05/05/2017.

Nguyên tắc lập kế hoạch tài chính 05 năm địa phương

Ngày 23/03/2017, Chính phủ đã ra Nghị định 31/2017/NĐ-CP ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.

Theo Quy chế, việc lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm phải đảm bảo thống nhất, phù hợp. Kế hoạch tài chính ngân sách, dự toán ngân sách địa phương đảm bảo cân đối ngân sách vững chắc, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách; phân bổ ngân sách địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội; quyết toán ngân sách địa phương phải chính xác, đầy đủ, hiệu quả, ngân sách cấp huyện, xã không được quyết toán chi ngân sách lớn hơn thu ngân sách…

Cũng theo Quy chế này, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, UBND có trách nhiệm lập kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương; hằng năm, UBND lập kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương trình Hội đồng nhân dân tham khảo khi xem xét, quyết định dự toán, phân bổ ngân sách địa phương.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/05/2017.

Được vay tín dụng đầu tư đến 70% tổng vốn đầu tư của dự án

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2017, Nghị định 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 của Chính phủ quy định mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước với mỗi dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng bệnh viện công; dự án đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội; dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp… tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm; riêng với các dự án đầu tư thuộc nhóm A, thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.

Khách hàng khi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư dự án phải thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam; các biện pháp bảo đảm cụ thể sẽ được quyết định đối với từng dự án. Đồng thời, khách hàng có nghĩa vụ và trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam đầy đủ và đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký; trong thời gian ân hạn, khách hàng chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả lãi theo hợp đồng; lãi suất nợ quá hạn với mỗi dự án sẽ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn.

Thu giá dịch vụ đường bộ bằng hình thức tự động không dừng

Quyết định 07/2017/QĐ-TTg quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/03/2017; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2017.

Quyết định chỉ rõ, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối. Việc gắn thẻ đầu cuối phải được thực hiện tại các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền; chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên; khi thẻ bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ.

Để nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện phải có tài khoản trả trước trên trên hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng; tài khoản được mở ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối. Mỗi tài khoản trả trước có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện, nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng; sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại hoặc Trang thông tin điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu giá; nộp trực tiếp bằng tiền mặt tại các đại lý; thông qua đơn vị trung gian thanh toán…

Công báo điện tử được khai thác miễn phí

Ngày 31/03/2017, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư 01/2017/TT-VPCP quy định Công báo điện tử nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Văn phòng Chính phủ giữ bản quyền, Công báo điện tử cấp tỉnh do Văn phòng UBND cấp tỉnh giữ bản quyền; được đăng khi Công báo in phát hành và được khai thác miễn phí.

Về quản lý Công báo và văn bản đăng Công báo, Thông tư quy định, cơ quan Công báo phải lưu giữ vĩnh viễn 01 ấn phẩm/số Công báo in đã xuất bản, phát hành, được đóng quyển theo từng năm; lưu giữ văn bản gửi đăng Công báo (văn bản chính và bản điện tử) theo từng năm, đảm bảo khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm, đối chiếu trong 05 năm. UBND xã, phường, thị trấn được cấp phát Công báo có trách nhiệm quản lý, lưu giữ và tổ chức việc sử dụng ấn phẩm Công báo; thời hạn lưu giữ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2017.

Thay đổi điều kiện dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 04/04/2017 tại Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 18/05/2017.

Cụ thể, từ ngày 18/05/2017, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, thay vì chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên như quy định hiện hành. Ngoài ra, người dự tuyển còn phải đáp ứng các điều kiện như: Là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển; Có bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp hoặc Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên, được cấp trong thời hạn 02 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển…

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ; theo đó, từ ngày 18/05/2017, khối lượng học tập trình độ tiến sĩ được xác định theo tín chỉ, tối thiểu 90 tín chỉ với nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp thạc sĩ, 120 tín chỉ với nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp đại học, thay vì quy định 03 - 04 năm tập trung liên tục như quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/05/2017.

Xả thải không phép vào nguồn nước, phạt đến 250 triệu

Theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 03/04/2017, có hiệu lực từ ngày 20/05/2017, mức phạt tiền đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép dao động từ 20 - 250 triệu đồng.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng áp dụng với hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5m3/ngày đêm; mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng áp dụng với hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 10.000m3/ngày đêm đến dưới 30.000m3/ngày đêm; từ 220 - 250 triệu đồng với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000m3/ngày đêm trở lên và hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 200.00m3/ngày đêm trở lên… Đặc biệt, từ ngày 20/05/2017, tự ý cho tổ chức, cá nhân khác xả nước thải vào hệ thống xử lý nước thải do mình đầu tư, quản lý sẽ bị phạt tiền từ 120 - 130 triệu đồng.

Với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hóa chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước, mức phạt tiền dao động từ 10 - 15 triệu đồng; từ 50 - 70 triệu đồng đối với trường hợp không có biện pháp bảo đảm an toàn để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hóa chất độc hại hoặc không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn đối với ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải đối với nước thải chứa chất thải nguy hại

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.

Vứt xác vật nuôi ra môi trường, phạt đến 3 triệu

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Cụ thể, từ ngày 20/05/2017, chủ vật nuôi vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, trong khi mức phạt theo quy định cũ là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng này cũng được áp dụng với chủ vật nuôi không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi.

Cũng từ ngày 20/05/2017, mức phạt đối với hành vi đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ và vào sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y tăng đáng kể, từ 5 - 6 triệu đồng lên 20 - 30 triệu đồng; mức phạt tiền này cũng được áp dụng với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.

Không dùng kháng sinh trong thức ăn thủy sản

Đây là một trong những nguyên tắc được nêu tại Nghị định 39/2017/NĐ-CP ngày 04/04/2017 do Chính phủ ban hành, quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.

Cũng theo Nghị định này, kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật. Đặc biệt, chỉ được sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo…

Nghị định này thay thế Nghị định 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010.

Nhiều ưu đãi với người sản xuất, kinh doanh muối

Ngày 05/04/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2017/NĐ-CP, trong đó đáng chú ý là quy định về các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh muối.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối, dịch vụ sản xuất muối, kho chứa muối được áp dụng các chính sách về tín dụng thương mại, tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách; các dự án thuộc Danh mục vay vốn, đáp ứng được các điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước được xem xét vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam; cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh muối được vay vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, người dân sản xuất muối trong độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng về kỹ thuật sản xuất muối. Đáng chú ý, tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước; trong đó, mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo 01 lần; thời gian đào tạo được hỗ trợ kinh phí không quá 06 tháng; mức tối đa là 01 tỷ đồng, áp dụng cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, chế biến muối hay áp dụng cho mỗi lao động đi đào tạo.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/05/2017.

Thể thức trình bày văn bản QPPL của Quốc hội, Chủ tịch nước

Ngày 14/03/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, yêu cầu văn bản phải xác định cụ thể ngày, tháng, năm có hiệu lực thi hành.

Về ngôn ngữ trong văn bản, phải là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu; từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế và phải được phiên âm sang tiếng Việt hoặc có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến; nếu có từ ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì từ ngữ đó phải được giải thích.

Ngoài ra, từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần sử dụng đầu tiên trong văn bản; với văn bản sử dụng nhiều từ viết tắt, có thể quy định riêng một điều giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong văn bản; trường hợp từ ngữ được sử dụng có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích rõ nghĩa được sử dụng trong văn bản…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.

Ngoài ra, còn có quy định về Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định; Xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân; Định mức dự toán xây dựng công trình; Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; Tuyển sinh, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Chế độ với người tham gia tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau, tai nạn… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 05/2017.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 05/2017 tại đây.

 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Từ 2/6, công khai thời điểm chi hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế

Từ 2/6, công khai thời điểm chi hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế

Từ 2/6, công khai thời điểm chi hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế

 Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư số 31/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) do Bộ Tài chính ban hành ngày ngày 18/04/2017, có hiệu lực từ ngày 02/06/2017… 

Từ 1/6, áp dụng mức viện phí mới cho bệnh nhân không có BHYT

Từ 1/6, áp dụng mức viện phí mới cho bệnh nhân không có BHYT

Từ 1/6, áp dụng mức viện phí mới cho bệnh nhân không có BHYT

 Ngày 15/03/2017, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bênh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp… 

DN phải đóng 0,5% quỹ lương vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

DN phải đóng 0,5% quỹ lương vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

DN phải đóng 0,5% quỹ lương vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Có hiệu lực từ ngày 01/06/2017, Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo quy định tại Nghị định, mỗi tháng người sử dụng lao động phải đóng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…