(LuatVietnam) Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/12/2016; trong đó cho phép cá nhân được vay tối đa 100 triệu đồng tại công ty tài chính nhằm mục đích mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi trả chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao; chi trả chi phí sửa chữa nhà ở. Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó.
Công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng về việc áp dụng phương thức cho vay tiêu dùng trong 02 phương thức: Cho vay từng lần - Mỗi lần vay, công ty tài chính và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng; Cho vay theo hạn mức - Công ty tài chính xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định; trong hạn mức cho vay, công ty tài chính thực hiện cho vay từng lần.
Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó có mức lãi suất cho vay cao nhất, thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Đặc biệt, Thông tư yêu cầu khách hàng vay vốn công ty tài chính phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc, lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với công ty tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2017.
· LuatVietnam