6 điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp

Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp số 56/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV chiều ngày 10/6/2020. Dưới đây là tổng hợp 06 điểm mới của Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp.

1. Bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp

Trong quá trình thực hiện giám định tại cơ quan, tổ chức hoặc tham gia phiên tòa để giải thích, bảo vệ kết luận giám định do mình thực hiện, giám định viên cần chứng minh tư cách giám định viên tư pháp bằng cách xuất trình Quyết định bổ nhiệm, điều này gây bất tiện cho giám định viên tư pháp.

Do đó, Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp đã bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp nhằm tạo thuận lợi cho giám định viên.

Cụ thể, người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì được cấp thẻ giám định viên tư pháp. Người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ ban hành thống nhất mẫu thẻ giám định viên tư pháp.

điểm mới của Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp6 điểm mới của Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp (Ảnh minh họa)

2. VKSND tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh

Một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất tại dự thảo Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp chính là việc có hay không quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập.

Với đa số đại biểu đồng ý, Quốc hội đã bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự.

Đồng thời, bổ sung chức năng giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử cho tổ chức này.

3. Nới điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp

Theo khoản 1 Điều 15 Luật Giám định tư pháp năm 2012, giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện sau đây:

- Có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;

- Có Đề án thành lập nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 khi Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực, việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp sẽ được nới lỏng điều kiện.

Cụ thể, giám định viên tư pháp cần có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 05 năm trở lên trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng.

nới lỏng điều kiện mở văn phòng giám định tư pháp

Nới lỏng điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp (Ảnh minh họa)

4. Thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 04 tháng     

Đây là quy định hoàn toàn mới được bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp 2012, theo đó, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc giám định bắt buộc về tố tụng hình sự tối đa là 03 tháng.

Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì tối đa là 04 tháng.

Đối chiếu với quy định về thời hạn giám định trong tố tụng hình sự thì thời hạn giám định dài nhất cũng chỉ là 03 tháng.

Như vậy, tối đa thời hạn giám định tư pháp không quá 04 tháng.

5. Giám định viên được bố trí chỗ ngồi phù hợp tại tòa

Theo khoản 14 Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người giám định thuộc nhóm người tham gia tố tụng.

Đối chiếu với quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC về vị trí chỗ ngồi của những người tham gia phiên tòa thì vị trí những người tham gia tố tụng ngồi cùng một dãy, trừ người bào chữa được ngồi gần bị cáo còn những người tham gia khác như người giám định, người định giá…ngồi ghế băng.

Thực tế, khi tham gia phiên tòa, giám định viên phải mang theo nhiều tài liệu, hồ sơ để trả lời các câu hỏi của người bào chữa, kiểm sát viên, thẩm phán. Do đó, Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp đã bổ sung thêm quy định về vị trí của giám định viên tư pháp.

Theo đó, người giám định tư pháp có quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Đồng thời, bổ sung thêm quyền:

- Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân mình hoặc người thân thích;

- Từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ…

giám định viên được bố trí chỗ ngồi phù hợp tại tòaGiám định viên được bố trí chỗ ngồi phù hợp tại tòa (Ảnh minh họa)

6. Thêm trường hợp bị miễn nhiệm giám định viên tư pháp

Giám định viên tư pháp bị miễn nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp nêu tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp 2012:

  • Không còn đủ tiêu chuẩn;
  • Thuộc một trong các trường hợp:

+ Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

+ Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

  • Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp;
  • Thực hiện một trong các hành vi bị cấm;

Đáng chú ý, Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp đã sửa đổi, bổ sung thêm một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp:

  • Có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động;
  • Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;
  • Theo đề nghị của giám định viên tư pháp và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp.

Trên đây là một số điểm mới của Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp, LuatVietnam sẽ cập nhật đầy đủ toàn văn của Luật này trên trang.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam: Tất tần tật thông tin cần biết

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam: Tất tần tật thông tin cần biết

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam: Tất tần tật thông tin cần biết

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam là quy trình cần thiết cho người nước ngoài và người Việt định cư ở nước ngoài muốn lái xe tại Việt Nam. Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quy trình và điều kiện cần thiết để thực hiện việc đổi bằng.