Theo quy định, người sử dụng điện, nước phải đóng phí đầy đủ và đúng hạn. Trường hợp đóng chậm sẽ bị cắt điện, nước và phải nộp thêm một số khoản tiền phát sinh.
Chậm đóng tiền bao lâu bị cắt điện, nước? (Ảnh minh họa)
Trường hợp chậm đóng tiền điện
Luật Điện lực sửa đổi năm 2012 quy định: “Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo 02 lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cung cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra”.
Để được cấp điện trở lại, hộ gia đình, cá nhân cần nhanh chóng đóng tiền điện tại công ty điện lực phụ trách nơi mình ở, qua hệ thống ngân hàng, qua kênh thanh toán online hoặc bất cứ địa điểm nào được ủy quyền thu tiền điện.
Ngoài số tiền điện phát sinh trong tháng, hộ gia đình, cá nhân còn phải đóng thêm phí cấp điện trở lại. Theo Quyết định 8474/QĐ-BCT năm 2014, mức phí này được quy định như sau:
- Từ 0,4kV trở xuống: 81.000 đồng
- Trên 0,4kV đến 35kV: 222.000 đồng
- Trên 35kV: 344.000 đồng.
Trường hợp chậm đóng tiền nước
Điều 45 Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định: "Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 05 tuần, kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước”.
Trường hợp chậm trả tiền nước quá 01 tháng so với thời hạn thanh toán, hộ gia đình phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho đơn vị cấp nước. Lãi suất của số tiền chậm trả do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng nhưng không vượt quá lãi suất cho vay cao nhất của Ngân hàng mà đơn vị cấp nước có tài khoản ghi trong Hợp đồng.
LuatVietnam