8 điểm đáng chú ý tại Luật Viên chức mọi viên chức cần biết

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 và sau hơn 6 năm thi hành Luật Viên chức mới nhất, việc quản lý, sử dụng, đào tạo, bổ nhiệm viên chức đã có những chuyển biến rõ rệt. Dưới đây là 8 điểm đáng chú ý viên chức cần phải biết.


1. Điều kiện chuyển từ viên chức sang công chức

Theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được quy định là công chức chỉ phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức mà không phải thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.

Để được chuyển đổi sang công chức, viên chức phải đáp ứng các điều kiện như:

- Có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự);

- Có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác;

- Đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Trong đó, quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức sẽ được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.

Xem thêm: Khi nào viên chức được chuyển sang công chức?

2. Quy định về tuyển dụng viên chức

Điều kiện tuyển dụng viên chức (Ảnh minh họa)

Điều 22 Luật Viên chức 2010 quy định, cá nhân không bị mất năng lực hành vi dân sự     hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án…, chỉ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đều được đăng ký dự tuyển vào viên chức:

- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn nhưng phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

- Có đơn đăng ký dự tuyển;

- Có lý lịch rõ ràng;

- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm…

Về phương thức tuyển dụng, việc tuyển dụng được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Trong đó, thi tuyển viên chức gồm 4 môn: Kiến thức chung; Chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; Tin học văn phòng và Ngoại ngữ.

Trường hợp xét tuyển, sẽ xét kết quả học tập (gồm điểm học tập, điểm tốt nghiệp của người dự tuyển) và kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.

Xem thêm:

Ưu tiên tuyển dụng viên chức với người đã ký hợp đồng lâu năm

Không ký hợp đồng lao động thay cho tuyển dụng viên chức


3. Thời gian làm việc, tuổi nghỉ hưu của viên chức

Điều 46 Luật Viên chức 2010 quy định: Trước 06 tháng, tính đến ngày viên chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 tháng, tính đến ngày viên chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức ra quyết định nghỉ hưu.

Theo Điều 187 Bộ luật Lao động hiện nay, tuổi nghỉ hưu với nam là đủ 60 tuổi; đối với nữ là đủ 55 tuổi. Như vậy, trước nửa năm tính đến ngày đủ 60 tuổi (hoặc 55 tuổi với nữ), viên chức sẽ nhận được thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu. Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, viên chức sẽ được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Đối với những viên chức có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý…, độ tuổi nghỉ hưu có thể được kéo dài đến 65 tuổi với nam và 60 tuổi đối với nữ. Trong trường hợp này, thời giờ làm việc hằng ngày của viên chức cũng sẽ được rút ngắn hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Xem thêm:

Buộc thôi việc viên chức sử dụng giấy tờ tuyển dụng không hợp pháp

Viên chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị sa thải


4. Chế độ nghỉ phép của viên chức

Theo Điều 13 Luật viên chức 2010, quyền của viên chức về nghỉ ngơi như sau:

- Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Chi tiết xem tại: 1 năm có bao nhiêu ngày nghỉ được hưởng nguyên lương?

Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

- Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, thời gian nghỉ phép năm của viên chức giống với người lao động tại doanh nghiệp.

Lưu ý, thời gian nghỉ phép được tính theo ngày làm việc do đó thời gian nghỉ phép năm sẽ không bao gồm thứ 7 và chủ nhật. Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc cứ 5 năm viên chức được nghỉ thêm một ngày.

Chế độ nghỉ phép của viên chức theo Luật Viên chức 2010 (Ảnh minh họa)


5. Những việc viên chức không được làm

Theo quy định tại Điều 19 Luật Viên chức 2010, những việc viên chức không được làm bao gồm:

- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công;

- Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định;

- Thành lập hoặc tham gia thành lập, quản lý, điều hành: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty TNHH; Công ty cổ phần; Công ty hợp danh; Hợp tác xã…

- Tư vấn cho doanh nghiệp liên quan đến bí mật nhà nước

- Bản thân hoặc vợ/chồng góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý của mình

- Viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của: Vợ/chồng; Bố, mẹ; Con; Anh, chị, em ruột.

- Cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ/chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình…


6. Tăng mức đóng BHXH của viên chức

Bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung chủ yếu trong hợp đồng làm việc của viên chức được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 26 Luật Viên chức 2010.

Theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP mức lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng.

Tương ứng với mức lương cơ sở tăng thì các khoản sau đây sẽ tăng:

Nâng mức đóng BHXH của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo quy định, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn phải đóng BHXH bằng 8% mức lương cơ sở, tương đương 111.200 đồng/tháng.

Nâng mức đóng BHXH cho các đối tượng viên chức khác theo mức tăng của lương cơ sở

BHXH được tính bằng 8% mức lương hàng tháng. Theo đó, mức lương của viên chức = lương x các phụ cấp tính theo lương cơ sở.

Như vậy, khi mức lương cơ sở tăng thì mức đóng BHXH của viên chức cũng tăng theo tỉ lệ tương ứng.

8 điểm đáng chú ý tại Luật Viên chức mọi viên chức cần biết

Tăng mức đóng BHXH của viên chức (Ảnh minh họa)


7. Buộc thôi việc viên chức tự ý nghỉ việc

Theo Điều 52, Luật Viên chức 2010, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình làm việc, tùy theo tính chất, mức độ phải chịu các hình thức kỷ luật như: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc.

Viên chức bị xử lý kỷ luật khi vi phạm thực hiện nghĩa vụ hoặc làm những việc viên chức không được làm; Vi phạm các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng làm việc; Vi phạm pháp luật, bị Tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật…

Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật phải làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Trong trường hợp không làm bản kiểm điểm thì vẫn tiến hành họp kỷ luật viên chức (Nghị định 27/2012/NĐ-CP).

Mức độ cao nhất của hình thức kỷ luật với viên chức là buộc thôi việc. Hình thức kỷ luật này áp dụng khi viên chức bị phạt tù; nghiệm ma túy; tự ý nghỉ việc từ 07 ngày/tháng hoặc 20 ngày/năm; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng….

Trường hợp viên chức bị kỷ luật khiển trách thì thời hạn nâng lương kéo dài thêm 3 tháng; 6 tháng với cảnh cáo và 1 năm với trường hợp bị cách chức.

Ngoài các trường hợp bị kỷ luật, viên chức làm mất, hư hỏng trang, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập thì phải bồi thường thiệt hại.

8. Viên chức bị thay đổi vị trí làm việc và viên chức biệt phái

Điều 32 Luật Viên chức 2010 quy định khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó. Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Như vậy, khi thay đổi vị trí làm việc của viên chức cần xét theo cơ quan nơi viên chức chuyển đến còn thiếu vị trí làm việc hay không, có nhu cầu tuyển dụng thêm nữa không? Bên cạnh đó, viên chức phải đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí làm việc mới đó.

Trong khi đó, biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Thời hạn cử biệt phái không quá 3 năm.

Hết thời hạn biệt phái, viên chức được trở lại vị trí làm việc cũ. Trường hợp chuyển đổi vị trí làm việc pháp luật không quy định về thời hạn, viên chức có được quay lại vị trí làm việc trước khi chuyển đổi hay không phụ thuộc vào nhu cầu cũng như sự sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, trên trang LuatVietnam đã cập nhật đầy đủ các văn bản liên quan đến viên chức, quý khách có thể tham khảo tại đây.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

9 nội dung đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức 2008

9 nội dung đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức 2008

9 nội dung đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức 2008

Luật Cán bộ, công chức là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và sắp xếp những vấn đề liên quan đến nhân sự trong bộ máy hành chính nhà nước, phục vụ đời sống nhân dân. Dưới dây, LuatVietnam đã tổng hợp 9 điểm nổi bật, đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức mới nhất.