Luật Thương mại: 10 điều dân kinh doanh phải biết

Luật trực tiếp quy định, điều chỉnh các hoạt động thương mại hiện nay là Luật Thương mại được ban hành ngày 14/06/2005 và hiện vẫn còn hiệu lực. Luật này có nhiều tác động đến đời sống nói chung và hoạt động kinh doanh nói riêng. Dưới đây là 10 điểm dân kinh doanh nhất phải biết.

1. Phạt hợp đồng tối đa 8% hay tự thỏa thuận?

Chế tài thương mại là nghĩa vụ mà bên vi phạm hợp đồng thương mại phải gánh chịu hậu quả bất lợi. Điều 292 Luật Thương mại 2005 quy định các loại chế tài thương mại, gồm:

- Buộc thực hiện đúng hợp đồng;

- Phạt vi phạm;

- Buộc bồi thường thiệt hại;

- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

- Đình chỉ thực hiện hợp đồng;

- Huỷ bỏ hợp đồng…

Trong đó chế tài được áp dụng nhiều nhất là phạt hợp đồng. Luật cho phép các bên được tự thỏa thuận mức phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, Luật khống chế mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Đồng thời, Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các bên được thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng song không có giới hạn về mức phạt vi phạm.

Do vậy, để áp dụng đúng mức phạt được quy định cần phân biệt rõ quan hệ nào do luật dân sự điều chỉnh, quan hệ nào là do Luật Thương mại điều chỉnh. Các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng ngay từ khi ký kết hợp đồng để tránh những rắc rối, tranh chấp về vấn đề áp dụng luật khi có vi phạm.

2. Thêm 2 trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng

Bên cạnh 2 trường hợp được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng như quy định hiện hành (do các bên có thỏa thuận hoặc do trường hợp bất khả kháng), Luật Thương mại 2005 đã bổ sung thêm 2 trường hợp được miễn trách nhiệm.

Cụ thể:

- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Xem thêm: Các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng

contract

Thêm 2 trường hợp được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng (Ảnh minh họa)

3. Nhà đầu tư nước ngoài được mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch

Điều 73, Luật Thương mại 2005 quy định: Thương nhân Việt Nam được quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 51/2018/NĐ-CP, thương nhân Việt Nam được tham gia mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có liên thông với Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

Quy định mới này đã mở rộng vai trò của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam trong việc kết nối liên thông với các Sở giao dịch nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân trong việc trao đổi, mua bán.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với tư cách là khách hàng hoặc thành viên môi giới, kinh doanh của Sở giao dịch hàng hóa với tỷ lệ sở hữu vốn không hạn chế (Điều 16a Nghị định 51/2018/NĐ-CP).

Xem thêm: 8 loại hàng hóa được phép mua bán qua Sở Giao dịch

4. Mở rộng các hình thức khuyến mại

Luật Thương mại: 10 điều dân kinh doanh phải biết

Bổ sung 3 hình thức khuyến mại mới (Ảnh minh họa)

Ngoài các hình thức khuyến mại như: Đưa hàng hoá mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Tặng hàng hoá cho khách hàng không thu tiền; Bán hàng với giá thấp hơn giá bán hàng trước đó (áp dụng trong thời gian khuyến mại)… Điều 92 Luật Thương mại 2005 đã bổ sung thêm 3 hình thức khuyến mại mới, gồm:

- Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi;

- Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng sử dụng;

- Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.

Bên cạnh đó, Luật này quy định 10 hoạt động khuyến mại bị cấm thay vì 06 hoạt động như trước đây, trong đó có:

- Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi;

- Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức;

- Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

- Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định.

Đặc biệt, từ ngày 15/07/2018, nghiêm cấm sử dụng kết quả xổ số để làm kết quả xác định trúng thưởng, làm căn cứ để tặng, thưởng trong các chương trình khuyến mại (khoản 5 Điều 3 Nghị định 81/2015/NĐ-CP)

Xem thêm:

Được khuyến mại, giảm giá hàng hóa, dịch vụ đến 100%

Bỏ trần khuyến mại 50% - 1 quy định 2 người vui

5. Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại

Điều 317, Luật Thương mại 2005 công nhận các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh sau: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án.

Trong kinh doanh thương mại, giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng thường được các bên lựa chọn trước tiên. Các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận và tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp, không có sự trợ giúp bất kì của bên thứ 3 nào.

Trong trường hợp các bên không tự thương lượng được, việc giải quyết tranh chấp có thể được thực hiện với sự trợ giúp của bên thứ ba thông qua phương thức hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Kết quả hòa giải có sự chứng kiến của người thứ 3 nên mức độ tôn trọng và tự nguyện tuân thủ cam kết cao hơn thương lượng.

Với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và tòa án, phán quyết có tính cưỡng chế cao, đảm bảo các bên phải tuân thủ. Tuy nhiên, các phương thức này thường kéo dài thời gian, tốn chi phí, uy tín, bí mật kinh doanh dễ bị ảnh hưởng hơn phương thức thương lượng.

Do đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mục đích và mức độ quan trọng của các tranh chấp để lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất.

6. Quảng cáo thương mại và quảng cáo thông thường

Quảng cáo là hình thức doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của mình tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng nắm bắt thông tin về hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thông qua thông tin quảng cáo để có lựa chọn các sản phẩm.

Luật Quảng cáo 2012 quy định đối tượng thực hiện hoạt động quảng cáo có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Chủ thể của hoạt động quảng cáo có thể là tổ chức, cá nhân, có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân.

Mục đích của quảng cáo thông thường sẽ mang lại lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân hoặc không nhằm mục đích sinh lời, nhằm thực hiện một mục tiêu chính trị, văn hóa, xã hội nào đó.

Trong khi đó, Điều 102, Luật Thương mại 2005 quy định quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm giới thiệu tới khách hàng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình.

Chủ thể có quyền quảng cáo thương mại là thương nhân Việt Nam, chi nhánh của thương nhân Việt Nam, chi nhánh thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam. Những đối tượng này có thể tự mình thực hiện quảng cáo hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.

Như vậy, quảng cáo thương mại chỉ là một bộ phận của hoạt động quảng cáo nói chung.

Khác biệt giữa quảng cáo thương mại và quảng cáo thông thường (Ảnh minh họa)

7. Môi giới thương mại theo quy định mới nhất

Điều 150, Luật Thương mại 2005, môi giới thương mại là dịch vụ trung gian thương mại. Thương nhân làm trung gian để giúp các bên có thể tìm thấy được đối tác phù hợp với mong muốn của mình, tiến tới việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Chủ thể trong quan hệ môi giới thương mại gồm: Bên môi giới và bên được môi giới. Bên môi giới bắt buộc phải là thương nhân, tiến hành thực hiện công việc giúp các bên được môi giới giao kết được hợp đồng với nhau. Khi đó, các bên được môi giới đạt được mục đích của mình và phải trả thù lao cho bên môi giới.

Quan hệ môi giới được xác lập trên hợp đồng môi giới. Nội dung của hợp đồng môi giới thương mại không được quy định cụ thể.

Theo đó, các bên có thể tự thỏa thuận về những điều khoản như: Nội dung cụ thể của việc môi giới, mức thù lao, thời hạn thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, giải quyết tranh chấp phát sinh.

8. Ủy thác mua bán hàng hóa trong thương mại

Theo Điều 155 Luật Thương mại 2005, ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác.

Như vậy, uỷ thác mua bán hàng hoá trong thương mại là hoạt động thương mại.

Theo đó bên nhận uỷ thác - là thương nhân - thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao ủy thác thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản là chủ yếu.

Về bản chất, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa có thể được xem là một giao dịch dân sự đặc thù liên quan đến việc mua bán hàng hóa.

Hợp đồng ủy thác phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Nội dung của hợp đồng không được trái với quy định của pháp luật. Việc xác lập hợp đồng ủy thác trên cơ sở tự nguyện, thực chất, đây là một hợp đồng dịch vụ mà trong đó đối tượng của hợp đồng là công việc mua bán hàng hóa.

Ủy thác mua bán hàng hóa trong thương mại (Ảnh minh họa)

9. Mở rộng trường hợp chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao (Điều 166 Luật Thương mại năm 2005).

Tham gia quan hệ đại lý thương mại có hai bên: bên giao đại lý và bên đại lý. Theo đó, hai bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân, ngành hàng kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý.

Điều 126 Luật Thương mại 1997 quy định về các trường hợp được chấm dứt hợp đồng đại lý, trong đó: “[…]một bên có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng khi việc vi phạm hợp đồng của bên kia là điều kiện để đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận ”.

Nói cách khác, theo quy định này, các bên chỉ có quyền chấm dứt thời hạn đại lý khi bên kia không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Đến nay, Luật thương mại 2005 đã mở rộng các trường hợp chấm dứt thời hạn đại lý của các bên, nếu không có thỏa thuận gì khác thì các bên có quyền chấm dứt thời hạn hợp đại lý bất cứ khi nào nhưng phải thông báo bằng văn bản trước một khoảng thời gian ít nhất là sáu mươi ngày.

10. Giới hạn trách nhiệm tối đa của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic

Dịch vụ logistics là hoạt động thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì…các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao (Điều 233 Luật Thương mại 2005).

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 163/2017/NĐ-CP, giới hạn trách nhiệm là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics theo quy định.

Nghị định này quy định rõ, trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thoả thuận.

Trường hợp các bên không có thoả thuận thì nếu  khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường.

Nếu khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.

Với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau thì áp dụng giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về 10 điểm dân kinh doanh phải biết trong năm 2019. Hệ thống của LuatVietnam đã cập nhật các văn bản liên quan mới nhất trong lĩnh vực THƯƠNG MẠI-QUẢNG CÁO, quý khách hàng có thể tham khảo thêm.

Xem thêm:

Rượu, thuốc lá, xổ số không được khuyến mại

Chỉ được dùng thuốc chữa bệnh để khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc

LuatVietnam
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

9 nội dung đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức 2008

9 nội dung đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức 2008

9 nội dung đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức 2008

Luật Cán bộ, công chức là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và sắp xếp những vấn đề liên quan đến nhân sự trong bộ máy hành chính nhà nước, phục vụ đời sống nhân dân. Dưới dây, LuatVietnam đã tổng hợp 9 điểm nổi bật, đáng chú ý của Luật Cán bộ công chức mới nhất.