1. Phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị coi là phá sản?
Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 định nghĩa về phá sản như sau:
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản).
Đồng thời, doanh nghiệp không thể tự tuyên bố phá sản mà phải làm thủ tục phá sản để Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thì mới được coi là phá sản. Cụ thể, Điều 8 Luật Phá sản quy định về thẩm quyền giải quyết phá sản như sau:
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp:
+ Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc là người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau;
+ Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà được Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc một trong các trường hợp do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Ngoài ra, Luật Phá sản không quy định cụ thể mất khả năng thanh toán một khoản nợ bao nhiêu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản, bởi tình hình tài chính của các doanh nghiệp rất khác nhau.
Có những doanh nghiệp nợ vài chục triệu nhưng không có cách gì để trả, trong khi cũng có doanh nghiệp nợ tới vài trăm triệu hoặc vài tỉ vẫn có khả năng thanh toán bình thường.