Tội tham ô có được giảm án tử hình xuống tù chung thân?

Có thể nói, tham ô chưa bao giờ là vấn đề hết "hot" liên quan tới việc chiếm đoạt tài sản của người có chức vụ mà mức phạt phải chịu có thể là tử hình. Vậy phạm Tội tham ô có được giảm án tử hình xuống tù chung thân hay không?

1. Tội tham ô có được giảm án tử hình xuống tù chung thân?

Tội tham ô có được giảm án tử hình xuống tù chung thân
Tội tham ô có được giảm án tử hình xuống tù chung thân? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 và khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP, người phạm tội Tham ô sẽ được chuyển án từ tử hình xuống tù chung thân khi thuộc 01 trong các trường hợp:

(1) Đã nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và chủ động khắc phục hậu quả

Với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả và thu hồi lại tài sản chiếm đoạt sẽ được xem là một trong những tình tiết đặc biệt khi thực hiện thi hành án.

Vì vậy sau khi bị kết án, người phạm tội buộc phải chủ động nộp ít nhất 3/4 số tài sản tham ô và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm nhằm khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải, chủ động trong việc bồi hoàn thiệt hại tài sản theo quy định. 

Theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP, người phạm tội buộc phải chủ động cung cấp các tài liệu, tin tức liên quan tới việc điều tra, phát hiện và xử lý những vấn đề liên quan tới vụ án tham nhũng của người đó.

Ví dụ: Chỉ dẫn đúng nơi cất giấu vật chứng, tài sản liên quan tới vụ tham nhũng để thuận tiện cho cơ quan chức năng thực hiện việc thu hồi; khai báo những cá nhân, tổ chức liên quan tới vụ án…

Tuy nhiên, việc chủ động nộp lại 3/4 tài sản tham ô không có nghĩa 1/4 tài sản còn lại không bị thu hồi. Đây chỉ là một trong những điều kiện cần để người phạm tội được xét không thi hành án tử hình, còn 1/4 phần tài sản còn lại người phạm tội vẫn buộc phải nộp lại theo quy định. 

(2) Lập công lớn

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP, người phạm tội tham ô phải lập được ít nhất một trong những công lớn sau thì mới được chuyển án từ tử hình xuống chung thân gồm:

- Hỗ trợ cơ quan tố tụng phát hiện, điều tra, truy bắt, xử lý tội phạm không liên quan tới tội tham ô tài sản mà bản thân bị kết án.

- Cứu người đang trong tình thế hiểm nghèo.

- Cứu được tài sản có giá trị ít nhất trên 100 triệu đồng của Nhà nước, tập thể hoặc của công dân trong hoàn cảnh thiên tai, hỏa hoạn hoặc các sự kiện bất khả kháng.

- Phát minh, sáng chế hoặc có sáng kiến mang giá trị lớn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

- Một số trường hợp khác nhưng buộc phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.

(3) Người bị kết án là phụ nữ có thai/đang nuôi con dưới 36 tháng

Trường hợp người bị kết án là phụ nữ đang mang thai/đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì không thể thực hiện việc thi hành án tử hình nếu bị kết án. Theo đó, đối tượng này sẽ được chuyển án từ tử hình sang tù chung thân.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, mang thai là một trong những tình tiết giúp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên không phải lúc nào mang thai cũng sẽ được ân giảm.  

Theo đó, người phụ nữ buộc phải chứng minh được mình đang có thai khi thực hiện tội phạm hoặc mang thai trong giai đoạn xét xử. Người phụ nữ có thai khi phạm tội buộc phải có kết quả xét nghiệm hoặc kết luận giám định của cơ quan chuyên môn y tế có thẩm quyền.

Mức độ giảm nhẹ cũng sẽ phụ thuộc vào thời kỳ mang thai và tình trạng của thai nhi tại thời điểm phạm tội hoặc khi bị xét xử tử hình.

(4) Người dưới 18 tuổi/người đủ 75 tuổi trở lên

Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, khi xử lý người tuổi phạm tội dưới 18 cần phải xem xét nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Theo đó, việc này cũng hướng tới mục tiêu giáo dục, giúp đỡ sửa chữa những sai lầm.

Đồng thời, giúp công dân vẫn có cơ hội được phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, việc ân giảm bên cạnh độ tuổi vẫn buộc phải căn cứ vào khả năng nhận thức của họ khi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện khiến xảy ra hành vi phạm tội ấy.

Đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên, việc không áp dụng và thi hành án tử hình thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên, người phạm tội Tham ô bị kết án tử hình có thể sẽ không bị thi hành án tử hình. Khi đó, hình phạt tử hình sẽ chuyển thành tù chung thân.

2. Tham ô bao nhiêu tiền thì bị tử hình?

toi-tham-o-co-duoc-giam-an-tu-hinh-xuong-tu-chung-than
Tham ô bao nhiêu tiền thì bị tử hình? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 số 12/2017/QH14, người tham ô tài sản với giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên thì có thể bị tử hình.

Bên cạnh mức tử hình, người có hành vi chiếm đoạt tài sản từ 01 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 05 tỷ đồng sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tù 20 năm hoặc tù chung thân.

Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định về mức phạt đối với Tội tham ô như sau:

(1) Chiếm đoạt từ 02 triệu đồng - 100 triệu đồng nhưng thuộc 01 trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ 02 - 07 năm:

  • Đã từng bị kỷ luật về hành vi này nhưng vẫn tái phạm.

  • Từng bị kết án một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015.

(2) Phạt tù từ 07 - 15 năm khi thuộc một trong các trường hợp:

  • Chiếm đoạt từ 100 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.

  • Phạm tội có tổ chức.

  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.

  • Phạm tội từ 02 lần trở lên.

  • Chiếm đoạt tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ, tiền, tài sản trợ cấp dành cho vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng đặc biệt khó khăn.

  • Bị thiệt hại về tài sản từ 01 - 03 tỷ đồng.

  • Gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

(3) Phạt tù từ 15 - 20 năm khi thuộc một trong các trường hợp:

  • Chiếm đoạt từ 500 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng.

  • Gây thiệt hại tài sản từ 03 - 05 tỷ đồng.

  • Gây ảnh hưởng xấu tới trật tư, an toàn xã hội.

  • Việc tham ô ảnh hưởng tới doanh nghiệp/tổ chức khác (bị phá sản/ngừng hoạt động). 

3. Phân biệt tham ô và tham nhũng

Tham nhũng và tham ô là 02 khái niệm khác nhau. Theo đó, tham nhũng chỉ chung những hành vi vụ lợi của các đối tượng lợi dụng chức vụ và quyền hạn để vụ lợi. Trong khi đó, tham ô chỉ là một trong số các hành vi tham nhũng.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 số 36/2018/QH14, các hành vi tham nhũng bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Còn tham ô là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Bên cạnh đó, đối tượng và mục đích phạm tội của tội Tham ô và Tham nhũng cũng khác nhau. Cụ thể: 

 

Tham ô

Tham nhũng

Đối tượng

Người có chức vụ, quyền hạn nói chung

Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm:

  • Cán bộ, công chức, viên chức;

  • Sĩ quan, quân nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân;

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an thuộc Công an nhân dân;

  • Cá nhân đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp;

  • Cá nhân giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

  • Những người được giao nhiệm vụ thực hiện công vụ và có quyền hạn khi làm công vụ đó.

Mục đích phạm tội

Chiếm đoạt tài sản

  • Chiếm đoạt tài sản.
  • Làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trên đây là giải đáp cho vấn đề tội tham ô có được giảm án tử hình xuống tù chung thân?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục