Phạm tội quả tang và bắt người phạm tội quả tang là những vấn đề được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến phạm tội quả tang. Vậy, phạm tội quả tang là gì? Thủ tục bắt người phạm tội quả tang thế nào?
1. Thế nào là phạm tội quả tang? Bắt người phạm tội quả tang là gì?
Tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bắt người phạm tội quả tang như sau:
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Theo quy định nêu trên, có thể hiểu phạm tội quả tang là việc một người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.
Còn bắt người phạm tội quả tang là việc bất kỳ một chủ thể nào đó phát hiện một người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi người đó thực hiện hành vi phạm tội đã đuổi bắt và giải đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân.
Người bị bắt quả tang là người đang thực hiện hành vi phạm tội mà hành vi đó cấu thành một tội phạm cụ thể nhưng chưa hoàn thành tội phạm thì bị phát hiện hoặc ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội xong chưa kịp cất giấu công cụ, phương tiện, tẩu tán tang vật phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.
Tóm lại, các trường hợp bắt người phạm tội quả tang gồm:
- Người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện.
- Ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện;
- Người phạm tội quả tang đang bị đuổi bắt.
Ví dụ: Người vừa cướp giật túi xách của người khác bị người đó phát hiện hô hoán nên bỏ chạy, bị đuổi bắt và bắt được ngay sau đó.
2. Ai có quyền bắt người phạm tội quả tang?
Cũng theo Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi phát hiện một người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi người này thực hiện hành vi phạm tội xong hoặc trong quá trình đuổi bắt, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý ở nơi gần nhất như:
- Cơ quan Công an;
- Viện kiểm sát;
- Ủy ban nhân dân.
Đồng thời, khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước hung khí, vũ khí của người bị bắt.
Với trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan.
Sau đó tiến hành lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
3. Thủ tục bắt người phạm tội quả tang thế nào cho đúng luật?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trình tự bắt người phạm tội quả tang như sau:
- Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang:
+ Bước 01: Tiến hành thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan;
+ Bước 02: Lập Biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật.
+ Bước 03: Giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền
- Trường hợp người bắt người phạm tội quả tang không phải là Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an:
+ Sau khi bắt phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
+ Cơ quan tiếp nhận phải Lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trên đây là các vấn đề liên quan đến phạm tội quả tang. Nếu còn vướng mắc bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ chi tiết.