Để quản lý người lao động, mỗi doanh nghiệp đều đặt ra nội quy, quy chế nhất định được ghi nhận tại nội quy lao động. Nếu vi phạm, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động. Vậy có trường hợp nào vi phạm mà không bị xử lý kỷ luật lao động không?
7 trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động
Căn cứ Điều 122 và Điều 208 Bộ luật Lao động năm 2019 và hướng dẫn tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động sẽ không bị xử lý kỷ luật lao động nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1 - Người lao động đang trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
2 - Người lao động đang bị tạm giữ, tạm giam.
3 - Người lao động đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm: trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc; tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;…
4 - Người lao động nữ đang trong thời gian mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5 - Người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
6 - Đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật lao động.
7 - Người lao động, người lãnh đạo đình công.
Với các trường hợp (1), (2), (3), (4), người lao động sẽ được tạm thời không bị xử lý kỷ luật trong thời gian có các lý do nói trên. Nhưng nếu hết các khoảng thời gian đó mà vẫn còn thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc hết thời hiệu thì người sử dụng lao động còn được kéo dài thời hiệu và tiến hành xử lý kỷ luật lao động theo luật định.
Trong khi đó, trường hợp (5), (6), (7) được tính là không xử lý kỷ luật người lao động chứ không phải tạm thời không xử lý. Do đó, người lao động thuộc trường hợp này chắc chắn sẽ không bị xử lý kỷ luật lao động.
Không xử lý kỷ luật lao động với những lao động nào? (Ảnh minh họa)
Bị xử lý kỷ luật sai trái luật, người lao động cần làm gì?
Nếu người lao động thuộc các trường hợp không bị xử lý kỷ luật lao động mà doanh nghiệp vẫn tiến hành xử lý kỷ luật thì người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình:
Cách 1. Khiếu nại về quyết định xử lý kỷ luật lao động.
Người lao động thực hiện khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động yêu cầu hủy quyết định xử lý kỷ luật lao động.
Nếu không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết đó, người lao động khiếu nại lần 2 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Căn cứ: Điều 131 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Cách 2. Khởi kiện tại Tòa án nếu bị xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải.
Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp có tranh chấp liên quan đến xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải, người lao động có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 32, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người lao động cần gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để vụ việc được thụ lý giải quyết theo đúng trình tự thủ tục pháp luật.
Xem thêm: Bị kỷ luật lao động không thỏa đáng, nên làm gì?
Vẫn xử lý kỷ luật khi không được phép, doanh nghiệp bị phạt thế nào?
Nếu cố tình xử lý kỷ luật đối với người lao động thuộc một trong 07 trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động, doanh nghiệp sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Cụ thể mức phạt như sau:
Hành vi |
Mức phạt |
Căn cứ pháp lý |
Xử lý kỷ luật người lao động không đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu theo quy định pháp luật. |
05 - 10 triệu đồng |
Điểm d khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP |
Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. |
10 - 20 triệu đồng |
Điểm đ khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP |
Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công. |
05 - 10 triệu đồng |
Điểm a khoản 3 Điều 33 Nghị định 28/2020/NĐ-CP |
Trên đây là thông tin về các trường hợp không xử lý kỷ luật lao động. Nếu còn thắc mắc về vấn đề kỷ luật lao động hoặc cách để đòi lại quyền lợi khi bị kỷ luật không thỏa đáng, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ sớm nhất.
>> Quy trình xử lý kỷ luật lao động cập nhật theo quy định mới