1. Thẻ Căn cước công dân mã vạch cấp lần đầu từ năm 2016
Luật Căn cước công dân năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Theo đó, Bộ Công an bắt đầu triển khai cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch cho công dân.
Tại thời điểm này, nước ta còn hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật, chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện để thực hiện thí điểm cấp thẻ Căn cước công dân.
Các địa phương đầu tiên được cấp thẻ Căn cước công dân từ năm 2016 gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.
Tại 47 địa phương còn lại, cơ quan Công an vẫn thực hiện việc cấp Chứng minh nhân dân theo quy định cũ. Điều này dẫn tới có ba loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng gồm: Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số và Căn cước công dân mã vạch.
2. Cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip trên cả nước từ năm 2021
Năm 2021, Bộ Công an triển khai cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip thay cho Căn cước công dân mã vạch.
Căn cước công dân gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần…
Việc sử dụng Căn cước công dân gắn chip giúp người dân thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính. Khi thẻ tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng Căn cước công dân gắn chip là có thể thực hiện được các giao dịch.
Đến nay, Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip.
3. Từ 01/7/2024, thẻ Căn cước công dân đổi thành thẻ Căn cước
Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Căn cước thay thế cho Luật Căn cước công dân năm 2014 tại Nghị quyết 110/2023/QH15. Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 thay đổi tên gọi của thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.
Nhiều thông tin thể hiện trên mặt thẻ Căn cước mới cũng sẽ thay đổi so với thẻ Căn cước công dân gắn chip. Cụ thể:
Dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", thông tin "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", thông tin "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".
Mẫu thẻ Căn cước mới sẽ lược bỏ hình ảnh dấu vân tay của chủ thẻ, thông tin cơ quan cấp thẻ được đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đổi thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Ngoài thay đổi thông tin thể hiện trên mặt thẻ, thông tin trong Cơ sở dữ liệu Căn cước còn bổ sung dữ liệu về mống mắt, ADN, giọng nói, nghề nghiệp… Trong đó, thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Về đối tượng được cấp thẻ, Bộ Công an không chỉ cấp thẻ Căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên mà còn cấp cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi theo nhu cầu (không bắt buộc).
Để tạo điều kiện cho người dân được cấp thẻ Căn cước mẫu mới từ 01/7/2024, các loại thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ nhưng công dân có thể đổi sang thẻ Căn cước bất cứ khi nào có nhu cầu.
Cuối cùng, với sự ra đời của Luật Căn cước, các loại Chứng minh nhân dân sẽ chính thức khai tử từ 01/01/2025.
Trên đây là thông tin về thẻ Căn cước công dân đã thay đổi như thế nào trong những năm qua. Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.