7 điểm mới tại Luật Công chứng 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Chiều 26/11/2024 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng 2024 với 08 chương, 76 Điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 07 điểm mới đáng chú ý tại Luật Công chứng 2024 ngay trong bài viết dưới đây.

điểm mới Luật Công chứng 2024

1. Thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư 5 năm kinh nghiệm vẫn phải tham gia đào tạo nghề công chứng

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên, khoản 3 Điều 11 Luật Công chứng 2024 đã quy định những đối tượng được miễn đào tạo và bồi dưỡng nghề công chứng tại khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014 hiện hành sẽ vẫn phải tham gia đào tạo nghề công chứng trong thời hạn 06 tháng gồm:

- Người có ≥ 05 năm làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp, chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

- Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề ≥ 05 năm.

- Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Tiến sĩ luật.

- Người đã là Thẩm tra viên cao cấp ngành toà án; Kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; Chấp hành viên cao cấp thi hành án dân sự; Trợ giúp viên pháp lý hạng I, Thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; Chuyên viên cao cấp, Pháp chế viên cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

Hiện nay, những người thuộc diện được miễn đào tạo nghề công chứng chỉ phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên trong thời gian 03 tháng.

2. Thời gian tập sự hành nghề được thống nhất chung là 12 tháng

Hiện nay, khoản 1 Điều 11 Luật Công chứng 2014 quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng như sau:

Người tập sự phải đăng ký tập sự tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự.

Thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 06 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng được tính từ ngày đăng ký tập sự.

Tuy nhiên, Điều 12 Luật Công chứng 2024 đã quy định thống nhất thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng tính từ ngày quyết định đăng ký tập sự có hiệu lực nhằm giúp những người tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Đồng thời, Luật Công chứng 2024 cũng quy định rõ người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự một cách “chống chế”.

3. Không được hợp danh vào văn phòng khác/lập văn phòng mới trong 2 năm kể từ khi rút hợp danh

Điều này được quy định tại khoản 6 Điều 27 Luật Công chứng 2024 như sau:

6. Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này, công chứng viên đã chấm dứt tư cách thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của Văn phòng công chứng phát sinh trong thời gian là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng đó; hết thời hạn này công chứng viên mới được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứng khác.

Hiện nay, Luật Công chứng 2014 chỉ quy định về việc công chứng viên hợp danh có thể chấm dứt tư cách hợp danh theo nguyện vọng cá nhân hoặc theo các trường hợp theo quy định.

4. Triển khai công chứng điện tử từ 01/7/2025

điểm mới Luật Công chứng 2024
Sẽ triển khai hoạt động công chứng điện tử từ 01/7/2025 (Ảnh minh họa)

Luật Công chứng 2024 đã quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng (Điều 62 - Điều 65 Luật Công chứng 2024).

Theo đó, sẽ có 02 hình thức công chứng điện tử từ 01/7/2025:

(1) Công chứng điện tử trực tiếp: Người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước mặt công chứng viên (CCV), sau đó CCV và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.

(2) Công chứng điện tử trực tuyến: Đây là hình thức được thực hiện khi các bên tham gia giao dịch yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng 01 địa điểm và giao kết giao dịch qua phương thức trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của CCV.

CCV và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.

5. Công chứng viên chỉ hành nghề đến năm 70 tuổi

Nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, Luật Công chứng 2024 đã bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là không quá 70 tuổi (khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2024).

Theo đó, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì khoản 5 Điều 76 Luật Công chứng 2024 quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành (01/7/2025) thì được tiếp tục hành nghề trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành.

6. Không còn là CCV vẫn phải bồi thường thiệt hại

Theo khoản 5 Điều 33 và khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng 2014 hiện nay, việc bồi thường thiệt hại trong hoạt động hành nghề công chứng sẽ do tổ chức hành nghề công chứng đứng ra bồi thường cho người yêu cầu công chứng.

Còn nhân viên, công chứng viên gây ra thiệt hại phải trả lại khoản tiền đó cho tổ chức hành nghề công chứng.

Tuy nhiên, có một số hợp đồng, giao dịch mà phải mất đến cả chục năm sau mới phát hiện ra sai sót, lúc đó nếu tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chuyển đổi, sát nhập,...hoặc công chứng viên ký hợp đồng giao dịch đó đã không còn làm công chứng viên nữa thì Luật Công chứng 2014 lại chưa điều chỉnh đến.

Nhận ra điểm bất cập đó, từ 01/7/2025, khoản 2 Điều 40 Luật Công chứng 2024 quy định, nếu CCV hoặc nhân viên văn phòng công chứng (VPCC) mà trực tiếp gây thiệt hại phải thực hiện bồi thường cho tổ chức hành nghề công chứng, kể cả trường hợp người đó không còn là CCV hoặc làm trong ngạch công chứng.  

Trường hợp đã trực tiếp gây thiệt hại nhưng không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

7. Công chứng viên được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp 

Theo khoản 1 Điều 39 Luật Công chứng 2024 quy định, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.

Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Theo đó, chậm nhất 10 ngày kể từ khi mua bảo hiểm hoặc ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Trên đây là cập nhật 07 điểm mới Luật Công chứng 2024 áp dụng từ 01/7/2025.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tích hợp tiện ích mua thuốc trực tuyến trên VNeID - một trong những cấu phần quan trọng trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025 ngay tại bài viết dưới đây.