Tống đạt là gì? Người được tống đạt có phải trả phí không?

Tống đạt là một trong các thủ tục được thực hiện trong tố tụng. Vậy tống đạt là gì? Pháp luật quy định về tống đạt như thế nào?

1. Tống đạt là gì? Tống đạt bằng hình thức nào?

Tống đạt được giải thích tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP:

2. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

Đồng thời, theo Điều 173 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hiện nay, việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các cách sau đây:

- Trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được uỷ quyền.

- Bằng phương tiện điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Niêm yết công khai.

Riêng các trường hợp có đương sự ở nước ngoài thì theo Điều 474 Bộ luật Tố tụng dân sự, việc tống đạt sẽ thực hiện theo các cách sau đây: Theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo đường ngoại giao, theo dịch vụ bưu chính…

Trong đó, các loại giấy tờ, văn bản cần tống đạt có thể gồm: Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định hoặc bản án của Toà…

2. Người được tống đạt có phải mất phí không?

Khoản 1 Điều 33 Nghị định 08/2020/NĐ-CP nêu rõ:

1. Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo; tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.

Theo quy định này, việc tống đạt giấy tờ của Thừa phát lại được thực hiện theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Toà án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan thi hành án dân sự hoặc thực hiện theo thoả thuận riêng giữa các cơ quan này bằng hợp đồng cụ thể cho từng vụ việc.

Trong hợp đồng dịch vụ tống đạt có nội dung đề cập đến chi phí tống đạt, quyền cũng như nghĩa vụ của các bên và thủ tục tống đạt… Tuy nhiên, chi phí tống đạt giấy tờ được quy định mức khung tại khoản 2 Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP như sau:

- Tối thiểu: 65.000 đồng/việc.

- Tối đa: 130.000 đồng/việc.

- Chi phí thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí, tiền công ngày làm việc không vượt quá mức lương tối thiểu… nếu tống đạt giấy tờ ngoài địa bàn tỉnh hoặc đến vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở.

Lưu ý: Điểm b khoản 3 Điều 62 Nghị định này có đề cập đến việc chi phí tống đạt theo quy định đương sự phải chịu. Nếu chi phí tống đạt do đương sự phải chịu thì số tiền thu được từ đương sự, Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án sẽ thu và chuyển cho Văn phòng thừa phát lại.

Như vậy, có thể thấy, không phải mọi chi phí tống đạt đều được lấy từ ngân sách Nhà nước mà trong một số trường hợp luật quy định, các đương sự phải có trách nhiệm chịu chi phí tống đạt này.

tong dat la gi

3. Thủ tục tống đạt thực hiện như thế nào?

Trình tự, thủ tục tống đạt được quy định cụ thể tại chương X Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 gồm các nội dung sau đây:

3.1 Văn bản phải tống đạt

- Thông báo, giấy triệu tập, giấy báo, giấy mời.

- Bản án hoặc quyết định của Toà án.

- Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, văn bản của thi hành án dân sự.

- Văn bản khác.

(Điều 171 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

3.2 Người thực hiện tống đạt

- Người tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan ban hành văn bản tố tụng (Viện kiểm sát, Toà án…) được giao nhiệm vụ này.

- Uỷ ban nhân dân nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc làm việc khi Toà án yêu cầu.

- Đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Nhân viên bưu điện.

- người có chức năng tống đạt.

- Người khác.

(căn cứ Điều 172 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

3.3 Phương thức tống đạt

- Trực tiếp, qua bưu điện, người thứ ba được uỷ quyền.

- Bằng phương thức điện tử.

- Niêm yết công khai.

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Phương thức khác.

(Căn cứ Điều 173 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)

3.4 Trình tự tống đạt

Với mỗi hình thức tống đạt khác nhau thì sẽ áp dụng trình tự, thủ tục tống đạt khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản các bước thực hiện tống đạt được thực hiện theo Điều 175 Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:

- Gửi, chuyển giao văn bản cho người được tống đạt.

- Người được tống đạt phải ký nhận và biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng.

- Nếu không thể tống đạt trực tiếp thì sẽ thực hiện niêm yết công khai trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết bản chính văn bản tố tụng tại trụ sở Toà án, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được tống đạt cư trú hoặc cư trú cuối cùng; niêm yết bản sao tại nơi cư trú/nơi cư trú cuối cùng của người được tống đạt văn bản.

Đặc biệt, khi thực hiện niêm yết không quên lập biên bản về việc này và ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

Trên đây là quy định giải đáp tống đạt là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường trên toàn cầu, việc hợp tác với các công ty nước ngoài cũng trở nên phổ biến. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng, cùng theo dõi bài viết ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?