Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự hiện nay, người thừa kế được quy định như sau:
- Là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Trong đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết;
- Đã được sinh ra và còn sống sau khi người có tài sản chết nhưng đã thành thai trước khi người này chết;
- Với người thừa kế không là cá nhân thì khi nhận di sản theo di chúc phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Đồng thời, hiện có 02 hình thức hưởng di sản thừa kế là theo di chúc và theo pháp luật. Nếu di sản không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật… thì tài sản của người chết sẽ được chia theo pháp luật.
Theo di chúc
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015).
Theo đó, người để lại di sản có quyền chỉ định người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người, giao nghĩa vụ của người thừa kế… Do đó, trong trường hợp cha mẹ có để lại di chúc cho người con duy nhất thì đương nhiên người này được hưởng di sản thừa kế.
Tuy nhiên, nếu trong di chúc không phân định tài sản cho người con duy nhất thì khi người này là con chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động thì vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật (Điều 644).
Như vậy, nếu cha mẹ có để lại di chúc thì không phải lúc nào người con duy nhất cũng được hưởng di sản thừa kế. Chỉ có 02 trường hợp nêu tại Điều 644, người con mới được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật.
Người con duy nhất đương nhiên được hưởng thừa kế? (Ảnh minh họa)
Theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là việc thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định. Trong đó, chỉ khi không có di chúc, di chúc không hợp pháp… thì di sản sẽ được chia theo thừa kế.
Theo Điều 651, người thừa kế theo pháp luật sẽ được quy định theo 03 hàng thừa kế. Người con dù là con đẻ, con nuôi của người để lại di sản sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Đặc biệt: Những người ở hàng thừa kế thứ 2, thứ 3 chỉ được hưởng thừa kế khi người ở hàng thừa kế thứ nhất không còn ai do:
- Đã chết;
- Không có quyền hưởng di sản;
- Bị truất quyền hưởng di sản;
- Từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, người này phải không thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự hiện hành:
- Đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm sức khỏe, tính mạng hoặc ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản…
Như vậy, do là người thừa kế duy nhất và thuộc trường hợp được nhận thừa kế theo pháp luật nên người này sẽ được hưởng toàn bộ di sản thừa kế cha mẹ để lại sau khi đã trừ đi các chi phí (nếu có).
Tóm lại, người con duy nhất không đương nhiên được hưởng thừa kế:
- Nếu trong di chúc hợp pháp không chỉ định người này được hưởng thừa kế đồng thời người này không thuộc trường hợp được hưởng không phụ thuộc di chúc;
- Nếu thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế theo pháp luật.
>> Infographic: Hướng dẫn phân chia di sản thừa kế
Nguyễn Hương