Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không?

Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu là con ngoài giá thú thì có được hưởng thừa kế không?


Con ngoài giá thú được hưởng thừa kế không?

Hiện nay, mặc dù việc sử dụng từ “con ngoài giá thú” khá phổ biến nhưng trong các văn bản pháp luật thì chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào. Có thể hiểu một cách đơn giản, con ngoài giá thú là con được sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp.

Tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) 2014, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Do đó, sẽ bị coi là con ngoài giá thú trong các trường hợp:

- Do hai người độc thân không đăng ký kết hôn sinh ra;

- Do nam nữ ngoại tình với nhau sinh ra.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật HN&GĐ, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền, nghĩa vụ như nhau với cha mẹ của mình.

Do đó, có thể thấy, dù là con ngoài giá thú hay con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì đều có quyền, nghĩa vụ với cha mẹ như nhau. Bởi vậy, nếu cha mẹ chết thì con ngoài giá thú vẫn được hưởng thừa kế nếu không thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế hoặc từ chối di sản thừa kế.

Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không

Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không? (Ảnh minh họa)

Con ngoài giá thú nhận thừa kế thế nào?

Việc nhận thừa kế hiện đang được thực hiện theo 02 hình thức: Theo di chúc và theo pháp luật.

1/ Nhận thừa kế theo di chúc

Việc lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác là quyền của người để lại tài sản thừa kế. Đồng thời, theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015, người này còn có quyền chỉ định người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế…

Do đó, nếu con ngoài giá thú được chỉ định hưởng di sản trong di chúc hợp pháp thì người này hoàn toàn được quyền hưởng di sản thừa kế.

Ngược lại, nếu con ngoài giá thú không có tên trong di chúc nhưng là con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động thì vẫn được hưởng ít nhất 2/3 suất của một người thừa kế. Lưu ý rằng, người con ngoài giá thú phải chứng minh được bản thân là con đẻ của người để lại di sản thừa kế.

2/ Nhận thừa kế theo pháp luật

Khác với hình thức nhận thừa kế theo di chúc, nhận thừa kế theo pháp luật được chia theo quy định của pháp luật về hàng thừa kế. Cụ thể, theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế theo pháp luật được chia thành 03 hàng thừa kế như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai: Ông bà nội, ngoại; anh, chị, em, ruột của người chết, cháu ruột gọi người chết là ông bà nội, ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột; cháu gọi người chết là bác, chú, cô, dì ruột; chắt gọi người chết là cụ nội, ngoại.

Như vậy, theo quy định trên, không phân biệt con ngoài giá thú hay con trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, nếu là con của người để lại thừa kế thì hoàn toàn có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật trừ trường hợp không được hưởng.

Theo các phân tích nêu trên, trừ trường hợp không được hưởng do bị truất quyền hưởng thừa kế, từ chối nhận di sản… thì con ngoài giá thú có thể được hưởng thừa kế.

Ngoài ra, độc giả có thể tìm hiểu thêm các quy định về việc xác định quan hệ cha, mẹ con tại bài viết dưới đây:

>> Hướng dẫn thủ tục nhận cha, mẹ, con mới nhất năm 2020

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục