Chung sống với 2 vợ trước 1960, hôn nhân có hợp pháp không?

Hiện nay, pháp luật tôn trọng quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng. Tuy nhiên, nếu trước năm 1960, cụ thể là thời điểm 13/01/1960 - thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên được ban hành và áp dụng thì nếu chung sống với hai vợ, quan hệ hôn nhân có được công nhận không?


Chỉ công nhận quan hệ hôn nhân 1 vợ 1 chồng?

Hiện nay, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được nêu tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đinh năm 2014 là:

Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Đây cũng là một trong các nguyên tắc được quy định tại các Luật Hôn nhân và Gia đình trước đây. Cụ thể:

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000:

Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Tại Điều 1 Luật năm 1986:

Nhà nước bảo đảm thực sự chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, nhằm xây dựng gia đình dân chủ, hoà thuận, hạnh phúc, bền vững.

Tại Điều 1 Luật năm 1959:

Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hoà thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ.

Đồng thời, khoản 1 Điều 4 Luật 2014 cũng khẳng định:

Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình […]

Để thực hiện nguyên tắc này, Luật năm 2014 cũng cấm trường hợp người đang có vợ, có chồng mà kết hôn/chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn/chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Như vậy, có thể thấy, từ 03/01/1959 - khi Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên có hiệu lực thì pháp luật đã luôn đề cao nguyên tắc một vợ, một chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

Không bởi vậy mà hiện nay, nếu ngoại tình có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng theo khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020 hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất đến ba năm tù.

Xem thêm: Chia tài sản ly hôn bất lợi với người ngoại tình?

Chung sống với 2 vợ trước 1960

Cưới 2 vợ trước 1960 có được công nhận vợ chồng hợp pháp? (Ảnh minh họa)

 

Chung sống với 2 vợ trước 1960 có hợp pháp không?

Như phân tích ở trên, từ ngày 13/01/1960 - ngày Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên có hiệu lực thì pháp luật đã đề cao nguyên tắc một vợ, một chồng. Đồng thời, Điều 5 Luật này cũng cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.

Nguyên tắc này đã được duy trì trong các Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành sau này. Do đó, có thể khẳng định, dù giai đoạn nào thì pháp luật cũng tôn trọng quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng.

Đồng thời, tại Điều 34 Luật năm 1959 nêu rõ:

Những hành vi trái với Luật này sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Bởi vậy, dù cưới hai vợ trước năm 1960 thì quan hệ hôn nhân giữa người nam và người thứ hai sẽ không được pháp luật công nhận. Riêng tại những vùng dân tộc thiểu số thì có thể căn cứ vào tình hình cụ thể mà đặt ra những điều khoản riêng biệt nhưng phải được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Nói thêm, vào thời điểm năm 1978 khi cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác thì Thông tư 60/TATC năm 1978 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

- Nếu cả hai người vợ đều vẫn tha thiết mong muốn gia đình sum họp thì Tòa án khuyên họ tự bàn bạc thu xếp sao cho ổn thỏa.

- Nếu người chồng tập kết ra Bắc đã lấy vợ khác, người vợ trong Nam vẫn chờ chồng, nay người vợ này yêu cầu xóa bản án để vợ chồng họ chung sống với nhau thì kết quả dẫn đến tình trạng một chồng hai vợ, mà quyền lợi cả hai người vợ đều hợp pháp, đều cần được bảo vệ. Tòa án nhân dân cần giải thích khuyên họ tự thu xếp cuộc sống trong gia đình sao cho ổn thỏa…

Nói tóm lại: Theo phân tích ở trên, từ ngày 13/01/1960 - ngày quan hệ hôn nhân và gia đình được pháp luật quy định cụ thể tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 có hiệu lực thì pháp luật tôn trọng quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng trừ những vùng dân tộc thiểu số thì sẽ có các quy định riêng biệt khác.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có phạm luật?

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi bán có cần chữ ký của vợ?

Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi bán có cần chữ ký của vợ?

Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi bán có cần chữ ký của vợ?

Tài sản chung, tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm đặc biệt là khi tài sản đó là nhà, đất - một tài sản lớn đối với nhiều người. Vậy khi muốn bán nhà, đất nhưng Sổ đỏ chỉ có mình tên chồng, vợ phải ký tên không?