Còn bị xử phạt hành chính nếu sinh con thứ 3 không?
Để bảo đảm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, Nhà nước khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ một đến hai con. Trước đây, tại Nghị định 114 năm 2006 đã hết hiệu lực thì người nào sinh con thứ 3 sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Nhưng bắt đầu từ 31/12/2013, khi Nghị định số 176/2013 có hiệu lực, thay thế Nghị định 114 trên, quy định này đã không còn được đề cập nữa. Do vậy, hiện nay, nếu sinh con thứ 3 thì không bị xử phạt hành chính nữa.
Dù vậy, đối với Đảng viên, việc sinh con thứ 3 vẫn bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 27 Quy định số 102-QĐ/TW.
Theo đó, Đảng viên vi phạm quy định về sinh con thứ 3 sẽ bị xử lý kỷ luật trừ trường hợp được cho phép: Sinh lần thứ nhất mà có 03 con trở lên; Đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh đôi trở lên…
- Khiển trách: Khai báo, xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ, chồng, con nếu gây hậu quả ít nghiêm trọng;
- Cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): Nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng;
- Khai trừ ra khỏi Đảng: Gây hậu quả rất nghiêm trọng; Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con…
Công chức bị kéo dài thời hạn nâng lương khi sinh con thứ 3? (Ảnh minh họa)
Sinh con thứ 3, công chức bị kéo dài thời hạn nâng lương?
Mặc dù không còn quy định xử phạt vi phạm hành chính khi công chức sinh con thứ 3, nhưng nếu công chức không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì vẫn có thể bị xử lý kỷ luật (Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).
Theo đó, việc sinh con thứ 3 đã vi phạm chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước. Do đó, tùy vào quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị nơi công chức đó làm việc mà công chức sinh con thứ 3 có thể sẽ bị xử lý kỷ luật.
Các hình thức xử lý kỷ luật công chức gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc. Việc bị áp dụng hình thức nào còn tùy vào mức độ và quy định của từng nơi.
Ngoài ra, theo Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV, công chức sẽ bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên 12 tháng hoặc 06 tháng nếu:
- Kéo dài 12 tháng: Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;
- Kéo dài 06 tháng: Công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm.
Đặc biệt: Nếu vừa không hoàn thành nhiệm vụ vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các mốc thời gian nêu trên.
Trong đó, tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ của công chức được nêu cụ thể tại Điều 21 Nghị định 56/2015/NĐ-CP như sau:
- Không thực hiện hoặc vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước bị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định;
- Vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức đơn vị nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất…
Như vậy, việc công chức sinh con thứ 3 trở lên là hành vi có thể bị xem xét kỷ luật hoặc bị xét là không hoàn thành nhiệm vụ. Và căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm mà công chức đó có thể bị kéo dài thời gian nâng lương 06 tháng hoặc 12 tháng.
>> Đảng viên sinh con thứ 3: Toàn bộ quy định mới nhất
Nguyễn Hương