Nội dung mới về việc xác định loại hợp đồng lao động được Quốc hội thông qua tại Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 và sẽ chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2021.
Theo đó, cũng như quy định hiện nay tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật mới định nghĩa hợp đồng lao động như sau:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Đồng thời, nếu hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng trong nội dung vẫn có các quy định về việc làm có trả công, tiền lương, sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì cũng được gọi là hợp đồng lao động.
Có thể thấy, từ ngày 01/01/2021, nhiều loại hợp đồng mà hiện nay đang có tên gọi khác nhưng nếu có các nội dung nêu trên thì đều được coi là hợp đồng lao động.
Từ 2021, thêm nhiều hợp đồng được xác định là hợp đồng lao động (Ảnh minh họa)
Không chỉ vậy, khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động mới còn nêu rõ:
Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Như vậy, việc ký hợp đồng lao động với người lao động là nghĩa vụ bắt buộc mà mọi người sử dụng lao động phải thực hiện trước khi nhận người lao động vào làm việc.
Ngoài ra, một trong những quy định nổi bật khác của Bộ luật mới là chính thức cho phép hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử. Loại hợp đồng này có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản…
Bộ luật này được thông qua ngày 20/11/2019.