Quy chế xét tặng danh hiệu "Thẩm phán giỏi", "Thẩm phán tiêu biểu", "Thẩm phán mẫu mực" mới nhất, có hiệu lực từ 05/5/2020 đã được Tòa án nhân dân tối cao ban hành tại Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT.
Thẩm phán giỏi phải xét xử liên tục từ 450 vụ, việc không quá hạn (Ảnh minh họa)
Để đạt danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, Thẩm phán phải đạt các tiêu chuẩn chung như tận tụy với nghề; ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật; trong 03 năm công tác trước thời điểm xét tặng phải liên tục được xếp loại công chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”…
Ngoài ra, phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đã giải quyết, xét xử liên tục từ 350 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 500 vụ, việc trở lên (đối với các thành phố trực thuộc Trung ương) và 450 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác) mà không có án quá hạn luật định; không có án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.
- Phải được trên 50% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu đề nghị.
Đối với danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, Thẩm phán cần đáp ứng các điều kiện chung theo quy định và có 02 lần được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi” sau đó phải giải quyết từ 350 vụ việc (đối với vùng núi, vùng sâu xa, hải đảo); 500 vụ việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc Trung ương); 450 vụ việc trở lên (đối với các địa phương khác); có sáng kiến, chuyên đề khoa học, giải pháp công tác… được ứng dụng và được ít nhất 70% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu đề nghị.
Thẩm phán có thể được đặc cách xét, tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” nếu có đủ tiêu chuẩn chung về thời gian công tác, giữ chức vụ, phẩm chất đạo đức… và giải quyết liên tục từ: 700 vụ việc trở lên (đối với vùng sâu, xa, hải đảo); 1000 vụ việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc Trung ương) và 900 vụ việc trở lên (đối với các địa phương khác). Đồng thời không có án quá hạn luật định, không có án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.