(LuatVietnam) Đây là nội dung rất đáng chú ý tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu đô thị; cán bộ, công chức, viên chức… sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; trường hợp khách hàng vay muốn vay với thời hạn ngắn hơn có thể thỏa thuận với ngân hàng.
Để được vay vốn, các đối tượng nêu trên phải có đủ hồ sơ theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết; có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; thực hiệm đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành bằng vốn vay; có đủ vốn tối thiểu tham gia và phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định…
Cũng theo Nghị định này, người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; đồng thời, chỉ được bán lại, cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trong thời hạn chưa đủ 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2015; thay thế Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013.
· LuatVietnam