(LuatVietnam) Theo Nghị định số 52/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/05/2014 quy định điều kiện, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải nộp tiền ký quỹ là 300 triệu đồng tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải có địa điểm trụ sở, chi nhánh ổn định và có thời hạn từ 03 năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký doanh nghiệp thì trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm trở nên. Đồng thời, doanh nghiệp còn phải có bộ máy chuyên trách gồm ít nhất 03 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm.
Đáp ứng 03 điều kiện nêu trên, doanh nghiệp sẽ được UBND cấp tỉnh hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được UBND cấp tỉnh ủy quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm; Giấy phép này có thời hạn tối đa 05 năm.
Nghị định này cũng chỉ rõ, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động và người sử dụng lao động, người học nghề, người được tư vấn, giới thiệu việc làm; thực hiện đúng các chế độ tài chính, các khoản phải nộp và bồi thường các thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì còn phải theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng trong thời gian người lao động thực hiện hợp đồng lao động mùa vụ, hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng; đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì theo dõi tình trạng việc làm của người lao động trong 12 tháng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2014.
- LuậtViệtnam